Là đơn vị đầu tiên trong cả nước đề xuất mô hình xét xử trực tuyến, TAND TP. Thủ Đức đã chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng đề xuất thực hiện thí điểm xét xử trực tuyến các vụ án hình sự.
Tham luận tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 20, Chánh án TAND TP. Thủ Đức Nguyễn Thành Vinh đã trình bày những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên tòa xét xử trực tuyến.
Ngay sau khi Nghị quyết số 33/2021/QH ngày 12/11/2021 và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày /12/2021 quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hình sự phát sinh hiệu lực, TAND TP. Thủ Đức đã khẩn trương và quyết liệt tiến hành triển khai, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện việc xét xử các vụ án bằng hình thức trực tuyến theo thẩm quyền. TAND TP. Thủ Đức là đơn vị đầu tiên tại TAND 2 cấp TP. Hồ Chí Minh tổ chức thành công phiên tòa hình sự và hành chính trực tuyến.
Sau hơn 2 năm triển khai, TAND TP. Thủ Đức đã hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác xét xử trực tuyến và áp dụng hiệu quả phương thức xét xử trực tuyến vào công tác giải quyết án tại đơn vị.
Cụ thể, TAND TP. Thủ Đức đã xây dựng thành công 2 phòng xét xử trực tuyến tại Toà án và 2 phòng xét xử trực tuyến tại nhà tạm giữ Công an TP. Thủ Đức, kết nối thành công với cơ quan chuyên môn tại địa phương, Chi cục Thuế TP. Thủ Đức, Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 và đơn vị đã xét xử trực tuyến thành công 4 vụ án hình sự, 01 vụ án hành chính và 572 phiên họp xử lý hành chính.
Những kết quả này đã phản ánh tinh thần quyết tâm cao của tập thể Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động tại TAND TP. Thủ Đức và các cơ quan có liên quan trong việc khắc phục những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hạn chế ở mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn…
Qua thực tiễn xét xử trực tuyến tại đơn vị, TAND TP. Thủ Đức đã đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên tòa xét xử trực tuyến.
Cụ thể, đề xuất Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành nghị quyết hướng dẫn những tiêu chí áp dụng phương thức xét xử trực tuyến; đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính theo hướng bổ sung Chương quy định về trình tự, thủ tục xét xử trực tuyến đối với từng cấp xét xử nhằm phù hợp với đặc thù, tính chất của từng cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.
Ban hành các văn bản quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng (nhất là người đứng đầu đơn vị) trong công tác tổ chức, thực hiện xét xử các vụ án bằng hình thức xét xử trực tuyến, tiến đến sửa đổi, bổ sung không giới hạn số lượng các điểm cầu thành phần của phiên tòa trực tuyến như hiện nay.
Kiến nghị nghiên cứu và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về quy chế bảo mật thông tin vụ án, thông tin nhân thân của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng và các dữ liệu liên quan đến phiên tòa xét xử trực tuyến. Kịp thời tuyên dương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt trong công tác xét xử trực tuyến.
Bên cạnh đó, đơn vị kiến nghị TANDTC sớm nghiên cứu, xây dựng nền tảng xét xử trực tuyến chung của hệ thống Tòa án với các tính năng, tiện ích phù hợp với đặc thù của từng cấp xét xử, từng loại vụ việc. Đồng thời, quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin, lưu trữ thông tin và số hoá các tài liệu, chứng cứ liên quan đến các vụ việc xét xử trực tuyến nhằm thống nhất việc triển khai, thực hiện và lưu trữ trong toàn hệ thống Tòa án.
Xây dựng phương thức truy cập để tham gia phiên tòa trực tuyến dành cho những người tham gia tố tụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ có thể tham gia phiên tòa trên các thiết bị điện tử cá nhân.
Xây dựng hệ thống đường truyền liên kết hệ thống giữa các cơ quan có liên quan nhằm phục vụ công tác xét xử trực tuyến trong phạm vi cả nước, góp phần giải quyết khó khăn trong quá trình xét xử các vụ án có nhiều đương sự tại nhiều địa phương khác nhau. Đồng thời, cần có phương án đầu tư, xây dựng phòng xét xử trực tuyến tại từng cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán về trang thiết bị, cơ sở vật chất của các đơn vị.
Duy trì phân bổ nguồn kinh phí cho các Tòa án cấp trong việc triển khai, vận hành và duy trì phòng xử trực tuyến.
Tuyển dụng, biên chế cán bộ, người lao động về công nghệ thông tin cho Tòa án các cấp nhằm bổ sung nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin trong công tác vận hành, điều phối các trang thiết bị trong quá trình tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng như các vấn đề liên quan đến bảo quản, duy trì trang thiết bị.
Hiệu quả trên thực tế của việc tổ chức xét xử thông qua phương thức trực tuyến là một trong những động lực thúc đẩy hoạt động của Tòa án bắt kịp với sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi, công khai để các cá nhân, cơ quan, tổ chức tiếp cận công lý, tiếp cận các quy trình tố tụng của Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
Quá trình triển khai phương thức xét xử trực tuyến tại đơn vị, TAND TP. Thủ Đức đã phát hiện và tổng kết một số khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, quy định pháp luật, cơ sở vật chất và nhân lực ảnh hưởng chất lượng công tác xét xử trực tuyến, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này.