Ngày 12/10, TAND tỉnh Thái Nguyên kết thúc phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án khai thác hơn 3 triệu tấn than lậu. VKSND tỉnh Thái Nguyên đã công bố bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với 33 bị cáo.
Đối với nhóm bị cáo tại Công ty Yên Phước và đồng phạm
Đại diện VKS đề nghị bị cáo Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty Yên Phước 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”; 16-17 năm tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”, tổng hợp hình phạt là 21-23 năm tù; phạt bổ sung từ 200-300 triệu đồng.
Bị cáo Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty Yên Phước được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án, hành vi đặc biệt nghiêm trọng.
Cùng các tội danh trên, bị cáo Ngụy Quang Thuyên, quản lý tại Mỏ than Minh Tiến bị đề nghị tuyên 4-5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và 16-17 năm tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”, tổng hợp hình phạt là 20-22 năm tù; phạt bổ sung từ 50-60 triệu đồng.
Doãn Thị Định, Kế toán Công ty Yên Phước bị đề nghị lần lượt 18- tháng tù và 5-6 năm tù về 2 tội danh trên, tổng hợp hình phạt là 6 năm 6 tháng đến 8 năm tù, miễn hình phạt bổ sung.
Đỗ Thị Luyến, nhân viên Công ty Yên Phước bị đề nghị tổng cộng 6-8 năm tù, miễn hình phạt bổ sung.
Các bị cáo phạm tội “Sử dụng trái phép vật liệu nổ” gồm Ngụy Văn Thủy bị đề nghị 6-7 năm, miễn hình phạt bổ sung; Bùi Minh Hợp 4-5 năm; Nguyễn Văn Hoạt 5-6 năm;
Các bị cáo phạm tội “Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ” Đỗ Văn Vĩnh 7-8 năm tù; Lương Văn Tiến 4-5 năm tù.
Khai báo tại tòa, bị cáo Linh cho biết, thông qua Đàm Hương Huệ, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Uyên Hiển giới thiệu để móc nối với Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang (cổ đông Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương) để ký kết hợp đồng khai thác 400.000 tấn than/ năm.
Về giá tiền, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh khai, bán cho Công ty Đông Bắc Hải Dương là 450.000 đồng/tấn than thành phẩm. “Cơ bản thì Công ty Yên Phước chỉ cho Công ty Đông Bắc Hải Dương thuê mỏ để khai thác, không phải là bán mỏ”, bị cáo này nói thêm.
Bị cáo cũng thừa nhận, đã nhận số tiền khoảng 120 tỷ đồng từ Công ty Đông Bắc Hải Dương, là tiền bán than tại mỏ Minh Tiến. “Bị cáo nhận nhiều lần, có lúc nhiều thì 5 tỷ đồng. Tổng số tiền đến năm 2021 là 90 tỷ 300 triệu. Sau đó Công ty Đông Bắc Hải Dương xin nợ lại hơn 27 tỷ đồng, tổng cộng khoảng 120 tỷ đồng”.
Đối với nhóm cựu cán bộ Sở Công Thương, Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên
Các bị cáo Nguyễn Ngô Quyết, cựu Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên; Đỗ Huy Cương và Nguyễn Văn Phong (cựu Trưởng phòng và Phó phòng Kỹ thuật an toàn môi trường) cùng bị đề nghị mức án -18 tháng tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị cáo trên cũng được đề nghị miễn hình phạt bổ sung.
Các bị cáo tại Sở Tài Nguyên và Môi trường Thái Nguyên gồm Nguyễn Thanh Tuấn, cựu Giám đốc; Nguyễn Thế Giang, cựu Phó Giám đốc, cùng bị đề nghị tuyên phạt 4-5 năm tù; Cao Sỹ Linh, chuyên viên Phòng Khoáng sản và Lại Trung Hiếu, Phó Chánh Thanh tra sở này bị đề nghị 3-4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; miễn hình phạt bổ sung.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn cùng 3 cấp dưới bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điểm c khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 7-12 năm tù.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, Công ty Yên Phước đã cấu kết với Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác trái phép hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm tại Mỏ than Minh Tiến, vượt hơn 47 lần trữ lượng được cấp phép, thu lợi bất chính hơn 375 tỷ đồng.
Để xảy ra hoạt động khai thác trái phép trên, các bị cáo tại Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên được xác định đã không thực hiện thanh tra theo kế hoạch; chỉ 4 lần kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh và kiến nghị của người dân.
Tuy nhiên, trong 4 lần kiểm tra này, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thế Giang được cử làm Trưởng đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản tại Công ty Yên Phước nhưng không trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra; không chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên.
Giang chỉ căn cứ vào báo cáo của Công ty Yên Phước, xác định doanh nghiệp khai thác 5.000 tấn than, để đưa vào kết luận kiểm tra, không chỉ đạo đoàn kiểm tra đo đạc, giám định sản lượng than thực tế.
Trong quá trình kiểm tra, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cũng đã phát hiện nhiều sai phạm tại đây, nhưng không báo cáo, hoặc chỉ đề xuất đưa vào kết luận kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Cùng với đó, bị cáo Nguyễn Ngô Quyết, cựu Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên và cấp dưới đã cấp trái phép cho Công ty Yên Phước gần 10 tấn vật liệu nổ, là phương tiện để các bị cáo thực hiện hành vi khai thác than trái phép với số lượng lớn.
Tại tòa, bị cáo Quyết khai nhận hành vi của mình, song cho rằng “việc thực hiện thủ tục cấp phép như trên là tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vật liệu nổ công nghiệp để sử dụng khai thác than”. Bị cáo này cũng thừa nhận đã nhận 100 triệu đồng từ Châu Thị Mỹ Linh, song đã nộp lại trong quá trình vụ án được điều tra.
Đối với hai anh em "đại gia" Bùi Hữu Giang - Bùi Hữu Thanh
Trong vụ án này, theo VKS, lợi dụng việc Công ty Cổ phần Yên Phước được cấp phép khai thác khoáng sản tại Mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ), Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do hai bị cáo Bùi Hữu Giang - Bùi Hữu Thanh góp vốn, đã "cấu kết" với Châu Thị Mỹ Linh, để đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép than với công suất gấp hơn 47 lần trữ lượng được cấp phép.
Tính đến thời điểm bị khởi tố, các đối tượng đã khai thác tổng số hơn 3 triệu tấn than cùng khoáng sản đi kèm. Trong đó, có 2,7 triệu tấn than; 420.000m3 bã sàng và đá đen.
Quá trình khai thác, Công ty Đông Bắc Hải Dương thông qua nhóm một số công ty liên quan, đã bán than khai thác trái phép cho các khách hàng tại Thái Nguyên, với tổng trị giá 386,7 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng An Khánh mua 606.2 tấn than, 38,479m3 bã sàng; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt Nhật (Nhà máy Giấy An Hòa) mua 11.183 tấn than cám, giá trị hơn 11,2 tỷ đồng...
Ngoài ra, một lượng than, bã sàng cũng được vận chuyển từ Mỏ than Minh Tiến về các bãi tập kết tại thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) để sàng tuyển, phối trộn với các nguồn than mua từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nguồn than mua lậu không hóa đơn khác.
Sau khi phối trộn các nguồn than, Công ty Đông Bắc Hải Dương xuất bán cho Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (thông qua Công ty SHN) 1,28 triệu tấn than cám, giá trị hơn 1.980 tỷ đồng; xuất bán cho Nhà máy Nhiệt điện Phúc Thành 145.685 tấn than cám, giá trị hơn 167 tỷ đồng; bán cho nhà máy Nhiệt điện An Khánh 88.492 tấn, giá trị hơn 67 tỷ đồng và một số khách hàng khác 528.790 tấn, giá trị hơn 636 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, số tiền nhóm thành viên góp vốn của Công ty Đông Bắc Hải Dương đã thu lời bất chính từ việc khai thác than bán trái phép tại Mỏ than Minh Tiến là hơn 213,5 tỷ đồng.
Theo đánh giá của VKS, hai bị cáo Bùi Hữu Thanh cùng Bùi Hữu Giang là cổ đông góp vốn, là người trực tiếp chỉ đạo chung các hoạt động của Công ty Đông Bắc Hải Dương; là người thỏa thuận với Châu Thị Mỹ Linh và trực tiếp chỉ đạo các hoạt động khai thác than trái phép, do đó Thanh, Giang phải chịu trách nhiệm với vai trò chủ mưu.
Để hợp thức số than lậu đã khai thác được, mang đi tiêu thụ, Thanh và Giang đã chỉ đạo kế toán mua 475 hóa đơn giá trị gia tăng, với tổng giá trị gồm cả thuế là trên 1.600 tỷ đồng. Nguồn tiền để trả cho việc mua hóa đơn chủ yếu lấy từ tiền bán than lậu.
Bên cạnh đó, 23 người còn lại bị đề nghị từ 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 54 tháng tù giam về các tội nêu trên.