Văn hóa- Thể thao

Đề xuất Lân Sư Rồng thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Kim Sáng 20/08/20 - 17:04

UBND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét đưa Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Lân Sư Rồng TP.HCM vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ thuật Lân Sư Rồng là một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TP.HCM.

Về giá trị văn hóa, vật chất, nghệ thuật, Lân Sư Rồng không chỉ được biểu diễn trong các lễ hội, hội thi, chương trình biểu diễn nghệ thuật mà còn phục vụ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu; góp phần tạo nguồn thu ổn định cho các đoàn Lân Sư Rồng để ổn định, duy trì và phát triển đoàn.

Bên cạnh đó, nghệ thuật Lân Sư Rồng còn giúp các ngành nghề thủ công như may mặc, sản xuất công cụ, đạo cụ, nhạc cụ... phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Các bài biểu diễn Lân Sư Rồng vừa mạnh mẽ, uyển chuyển, vừa mạo hiểm, đẹp mắt, thể hiện lòng dũng cảm, sự nhanh nhẹn, khéo léo cũng như tinh thần thượng võ của nghệ nhân biểu diễn.

Ngoài ra, yếu tố nghệ thuật còn thể hiện rõ ở chế tác Lân, Sư, Rồng; màu sắc, tạo hình, chi tiết, hoa văn của mỗi nhân vật; các điệu trống múa, khả năng hòa âm của các nhạc cụ.

4550779_843093654586743_1981482588204095293_n.jpg
TP.HCM đề xuất nghệ thuật Lân Sư Rồng thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về giá trị giáo dục, bảo lưu, trao truyền văn hóa truyền thống, nghệ thuật Lân Sư Rồng ban đầu được biểu diễn giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, vừa để giao đấu, thị uy thanh thể cho các lò võ; sau đó các đoàn Lân Sư Rồng chuyên nghiệp được lập ra, không những biểu diễn kiếm thêm thu nhập cho các môn sinh mà qua đó còn bảo lưu, trao truyền các giá trị của bộ môn nghệ thuật này cho cộng đồng người Hoa trên đất Việt.

Về giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật, Lân Sư Rồng là kho tư liệu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, gắn liền với quá trình di cư, định cư, phát triển kinh tế và phản ánh hiện thực đời sống xã hội của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn. Nghiên cứu sự lưu truyền, biến đổi và phát triển của nghệ thuật Lân Sư Rồng có thể thấy sự hòa hợp, hòa nhập nhưng vẫn mang đậm bản sắc của dân tộc Hoa khi cùng tồn tại bên cạnh các dân tộc khác ở TP.HCM.

Ngoài ra, nghệ thuật Lân Sư Rồng còn giúp cân bằng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, giải quyết nhu cầu giải trí và hoạt động cộng đồng mà con người trong xã hội hiện đại không thể thiếu như tạo không khí vui mừng, náo nhiệt của những ngày lễ Tết; đồng thời là môn thể thao, được chính thức thi đấu trong và ngoài nước.

456111287_843093697920072_29653145792023176_n.jpg
Một đội biểu diễn Lân Sư Rồng ở TP.HCM.

Ở một góc độ khác, nghệ thuật Lân Sư Rồng còn mang nhiều yếu tố nhân văn khi nhiều đoàn Lân Sư Rồng đã tập hợp được các trẻ em lang thang, cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn, tạo dựng công ăn việc làm, cũng như chí hướng phát triển tương lai.

Giá trị văn hóa du lịch nghệ thuật Lân Sư Rồng ngày càng có nhiều người biết đến, nhiều người muốn trực tiếp thưởng lãm hay sử dụng các dịch vụ liên quan sẽ thu hút, lôi kéo người dân khu lân cận và dần dần là người dân các khu vực xa hơn, thậm chí là nước ngoài tới đây để được hòa mình vào chính bầu không khí lễ hội, vui tươi của nghệ thuật Lân Sư Rồng. Vì thế, việc duy trì và phát triển nghệ thuật múa Lân Sư Rồng sẽ góp phần phát triển du lịch và thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài khu vực cho phát triển du lịch tại đây.

Đặc biệt, Lân Sư Rồng còn mang tính thần thoại, đại diện cho mong ước thịnh vượng, may mắn, xua đuổi điềm xấu, thường được biểu diễn trong các lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, ngày khai trương, động thổ... với ý nghĩa truyền tải thông điệp về sự may mắn và sự bảo hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất Lân Sư Rồng thnh Di sản văn ha phi vật thể quốc gia