Bộ Tư pháp vừa công bố Hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Dự thảo này nhằm sớm cụ thể hoá chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025.
Không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính vừa có tờ trình trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn, đề nghị Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp.
Dự thảo gồm 7 Chương, 17 Điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt áp dụng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức liên quan.
Theo đó, tại Điều 4 quy định về nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, dự thảo Nghị quyết đưa ra quy định: Phân định rõ giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm của pháp nhân và trách nhiệm của cá nhân.
Đối với sai phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.
Đối với sai phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận và thực hiện công bố công khai kết luận này.
Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
Bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.
Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền, nghĩa vụ của cá nhân người quản lý trong doanh nghiệp trong xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc.
Sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.
Thanh tra, kiểm tra tối đa 1 lần trong năm
Tại Điều 5, quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về một số nguyên tắc trong thực hiện thanh tra, kiểm tra, gồm: Không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng; Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; Ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp; Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật.
Đồng thời nhằm khắc phục tình trạng vướng mắc trong giải quyết thủ tục phá sản, gây khó khăn cho việc rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết quy định mở rộng trường hợp, căn cứ để Tòa án xem xét, quyết định việc giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, việc giải quyết theo thủ tục rút gọn bảo đảm rút ngắn tối thiểu 30% về thời gian, điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết so với thủ tục thông thường.
Theo Bộ Tài Chính, thời gian qua, thể chế, pháp luật về doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện, tạo khung pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện cho kinh tế tư nhân phát triển. Công tác cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định, điều kiện kinh doanh… liên tục được đẩy mạnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản, kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Vai trò của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước chưa được phát huy đầy đủ; hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro. Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân ở một số nơi còn hạn chế. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao; một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả, quy mô hỗ trợ nhỏ, quy trình, thủ tục phức tạp, khó tiếp cận chính sách. Doanh nghiệp tư nhân chưa được tin tưởng giao thực hiện các dự án lớn, trọng điểm quốc gia.
Nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc khẩn trương thể chế hoá một số chính sách vượt trội, đột phá, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cần thiết và cấp bách.