Vấn đề quan tâm

Đề xuất người gây thiệt hại do mô hình kinh doanh mới không phải tội phạm

Trang Nhi 16/04/2025 07:47

Tại dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất bổ sung cơ chế loại trừ trách nhiệm hình sự với người thực hiện mô hình kinh doanh mới.

Đây là một trong những đề xuất mới tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an soạn thảo.

toa_an.jpg
Ảnh minh họa.

Tại Chương IV, Bộ luật Hình sự hiện nay quy định 7 trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự gồm: sự kiện bất ngờ; tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; phòng vệ chính đáng; tình thế cấp thiết; gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên và rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, và công nghệ.

Tại Điều 25, Bộ Công an đề xuất bổ sung cơ chế loại trừ trách nhiệm hình sự với người thực hiện mô hình kinh doanh mới. Theo đó, hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, và công nghệ và mô hình kinh doanh mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

Tuy nhiên, người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Lý giải về việc này, Bộ Công an cho hay, việc bổ sung quy định này dựa trên tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, Nghị quyết nêu rõ, cần có chính sách miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.

Song thực tiễn, theo Bộ Công an, một số quy định của Bộ luật Hình sự còn vướng mắc, bất cập, chưa có cơ chế loại trừ trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57.

Từ đó, khi chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này, Bộ Công an bổ sung, sửa đổi nhiều quy định để phù hợp tình hình đất nước trong giai đoạn mới, vừa bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng, vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc.

Cũng tại dự thảo Luật lần này, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, Bộ Công an đề xuất tăng nặng hình phạt các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt hàng giả là lương thực, thực phẩm, nhằm bảo đảm người dân được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Ngoài ra, để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, dự thảo cũng đề xuất cụ thể hóa các hành vi "cạnh tranh bẩn", nâng mức phạt tiền lên gấp đôi. Đồng thời, số tiền thiệt hại, số tiền hưởng lợi để định khung cũng tăng, để bảo đảm phù hợp với sự biến động của giá cả tăng lên so với trước đây, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện tại.

Tại Điều 217 quy định về tội "Vi phạm quy định về cạnh tranh", Bộ Công an đề xuất mức phạt 400 triệu đến 02 tỉ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù 03 tháng đến 02 năm cho 05 hành vi:

- Ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;

- Phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

- Hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ;

- Hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;

- Áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

Nếu cá nhân, doanh nghiệp phạm tội có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền, mức phạt có thể tăng lên mức 02 - 06 tỷ đồng, hoặc phạt tù 01 - 05 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị phạt 02 - 10 tỷ đồng, tùy thiệt hại.

17 tội khác liên quan xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cũng được đề xuất nâng mức phạt tiền gấp đôi hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất người gây thiệt hại do m hình kinh doanh mới khng phải tội phạm