Tại dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) theo Nghị quyết ngày 30/11/20 về kỳ họp thứ 18, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế.
Bộ Tài chính cho rằng, việc ban hành Nghị định nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Theo dự thảo, cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định nêu trên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Các bộ theo chức năng, nhiệm vụ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại Nghị định này, trong đó tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế giá trị gia tăng) từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025.
Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết của Quốc hội dự kiến số giảm thu NSNN trong 6 tháng đầu năm 2025 tương đương khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên sẽ tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho NSNN.