Văn hóa- Thể thao

Đền Khe Sặt vào xuân

Hải Yến- Tường Vi /02/20 - 18:35

Theo phong tục tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam, tháng Giêng đầu năm mới, mọi người thường đi du xuân, chiêm bái tại các điểm tâm linh nhất là các di tích lịch sử để thể hiện tấm lòng thành kính tri ân đối với những người có công với quê hương, đất nước, mong cầu điều may mắn bình an đến với mọi người, mọi nhà. Đền Khe Sặt cũng là một điểm du xuân đầu năm mới được nhiều du khách lựa chọn.

Đền Khe Sặt ở khối 3 thị trấn Con Cuông tỉnh Nghệ An, được xây dựng trên vùng đất trước đây có nhiều cây sậy hay cây sặt, đền ngoảnh mặt hướng ra bờ sông Lam đối diện với thành Trà Lân xưa. Đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là vị hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ trong lịch sử Việt Nam. Ngài có công lao lớn đối với Nghệ An, giúp xứ Nghệ từ một vùng biên viễn hẻo lánh, trong đó có vùng đất Con Cuông, thành một địa bàn chiến lược quan trọng của triều đình nhà Lý và nhiều triều đại về sau.

anh-1.jpg
Thế hệ trẻ du xuân chiêm bái đền Khe Sặt tưởng nhớ công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Trong vòng 16 năm ở châu Nghệ An (từ 1039 đến 1055), Uy Minh Vương Lý Nhật Quang từng giữ hai chức vụ chính: Thu thuế và Tri châu. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã có nhiều cống hiến to lớn cho xứ Nghệ nói chung và mảnh đất miền Tây xứ Nghệ - Cự Đồn Con Cuông ngày nay.

Cự Đồn vốn là mảnh đất hoang vu, dân cư thưa thớt, núi non điệp trùng. Với tầm nhìn xa trông rộng, sự hiểu biết uyên thâm của Lý Nhật Quang, ngài nhận thấy, Cự Đồn là vùng đất phong cảnh hữu tình, hài hòa núi sông, mang giá trị về danh thắng; vừa là nơi trung tâm về địa lý, kinh tế, chính trị, quân sự có vị trí chiến lược quan trọng, giáp Ai Lao.

Bằng đường lối chính trị vương đạo, thân dân, biết khoan thư sức dân, ngài đã đề ra nhiều chính sách thiết thực, có lợi cho dân, đó là tập trung một lực lượng lớn người dân phiêu tán và binh lính đồn trú cùng lực lượng dân bản địa khai phá, khai thác mọi tiềm năng của vùng đất Cự Đồn, vừa góp phần làm “thay da đổi thịt” cả một vùng đất rộng lớn, vừa bảo vệ vững chắc “phên dậu” của đất nước dưới thời Lý.

Cùng với việc chiêu dân, khai hoang, lập bản, ông còn dạy cho dân chúng nghề trồng bông, dệt vải... Những dấu vết lịch sử còn lại cho thấy, ngoài vùng Khe Diêm, nhiều nơi trên địa bàn này cũng được khai phá như vùng Khe Choăng (nay thuộc xã Châu Khê), Khe Thơi (nay thuộc xã Lạng Khê)...

Trong thời gian làm Tri châu ở Nghệ An, Lý Nhật Quang đã cho mở hai con đường, trong đó, con đường thứ hai khởi đầu từ Đô Lương men theo sông Lam, qua Anh Sơn, Cự Đồn, Hội Nguyên lên tận Mường Mật ở Tương Dương và Kỳ Sơn đến giáp Ai Lao. Con đường này hiện nay vẫn chạy qua Con Cuông, dài khoảng 30km. Con đường thượng đạo hình thành đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo điều kiện cho việc đi lại, trao đổi vật phẩm giữa nhân dân miền núi với miền xuôi.

anh-2.jpg
Đền Khe Sặt thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - vị hoàng tử thứ tám của vua Lý Thái Tổ.

Lý Nhật Quang đã đi vào lòng dân xứ Nghệ nói chung và nhân dân Con Cuông nói riêng. Dấu ấn của vị Tri châu đầu tiên của xứ Nghệ để lại trên mảnh đất này không chỉ là hệ thống ruộng đất khai hoang trải dài với sự ra đời của nhiều làng, bản; là con đường thượng đạo chiến lược... mà còn đọng lại trong tâm thức của bao lớp thế hệ trên mảnh đất Con Cuông, để lại trong lòng người dân nơi đây sự biết ơn sâu sắc về sự đóng góp của ông cho vùng đất Con Cuông nói riêng và Nghệ An nói chung, cũng như sự hiển ứng linh thiêng của ngài đối với đất nước, nhân dân ngót gần một nghìn năm lịch sử.

Tên tuổi của ngài đi vào lịch sử, huyền sử đầy sắc màu thần thánh của vùng đất này như một vị thần, một vị thành hoàng, một đại phúc thần. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, nhân dân nhiều nơi trên địa bàn Con Cuông và vùng phụ cận lập đền thờ, tôn ngài làm Thành hoàng làng như đền Khe Sặt ở thị trấn Con Cuông, đền thờ Lý Nhật Quang tại bản Xiềng (Môn Sơn) và bản Bủng (Châu Khê).

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, bao cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, hầu hết các công trình kiến trúc gốc của đền đều bị phá hủy. Tháng 6/2012, UBND huyện Con Cuông đã ra quyết định phục dựng lại đền.

Kỷ niệm ngày mất của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (16-17 tháng Chạp) và ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, nhân dân thường đến thắp hương tưởng nhớ ngài. Hiện nay, đền Khe Sặt trở thành điểm sinh hoạt tâm linh của đông đảo nhân dân và du khách thập phương khi đến với Con Cuông để bày tỏ sự ngưỡng vọng với Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Có dịp, chúng ta nên một lần về với đền Khe Sặt, để lắng nghe nhân dân nơi đây kể về những giai thoại về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và nhiều di tích lịch sử quan trọng khác như di tích lịch sử cấp quốc gia Văn bia khắc trên đá ca ngợi chiến thắng của quan quân nhà Trần, phế tích thành cổ Trà Lân về chiến thắng của nghĩa quân Lê Lợi và nhân dân Con Cuông chống giặc Minh xâm lược để thêm phần tự hào, yêu mến và gìn giữ vùng đất Cự Đồn - Con Cuông xưa và nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Khe Sặt vo xuân