Tháng đầu tiên năm 2025, thêm một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, trong đó tăng mạnh ở những kỳ hạn ngắn, áp sát mức trần.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn
Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng đã có sự phân hóa đáng kể, chênh lệch từ 1% đến 3%. Thêm nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, niêm yết từ 4%/năm. Trong đó, có ngân hàng áp sát lãi suất trần 4,75%/năm.
Đơn cử tại Bac A Bank vừa tăng lãi suất tiết kiệm tháng đầu năm 2025. Cụ thể, nếu hạn mức tiền gửi dưới 1 tỷ đồng và lĩnh lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được nhận lãi suất cho kỳ hạn 1 tháng - 2 tháng cùng là 3,90%/năm, tăng thêm 0,05 điểm % so với tháng trước. Tương tự, lãi suất cho kỳ hạn 3 tháng cũng tăng thêm 0,05 điểm % lên 4,2%/năm.
Tại kỳ hạn 4-5 tháng, tăng với mức tương ứng lên lần lượt 4,3%/năm và 4,4%/năm. Tại kỳ hạn 6-8 tháng, nâng lãi suất tiết kiệm từ mức 5,3%/năm lên 5,35%/năm. Với kỳ hạn 9-11 tháng, lãi suất là 5,45%/năm.
Đặc biệt, Agribank cũng vừa tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng đầu 2025, cao nhất nhóm Big4. Cụ thể, điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 3 - 9 tháng và giảm các kỳ hạn từ 12-36 tháng, xét theo hình thức lĩnh lãi cuối kỳ. Kỳ hạn từ 1-2 tháng giữ nguyên ở mức 2,4%/năm. Trong khi đó, kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng 0,1 điểm % lên 3%/năm. Kỳ hạn từ 6-9 tháng cũng tăng 0,1 điểm % lên 3,7%/năm.
Ngân hàng NCB mới đây cũng đồng loạt tăng thêm 0,1-0,2%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Hiện lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng tại NCB lần lượt 4,1% và 4,2%/năm; kỳ hạn 3 - 4 - 5 tháng lần lượt có lãi suất là 4,3% - 4,4% - 4,5%/năm.
CBBank cũng là ngân hàng mới tăng mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng với mức tăng đồng loạt 0,35%/năm. Theo đó, CBBank áp dụng mức lãi suất 4,%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng và 4,35%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 3-5 tháng.
Cùng với đó, một số nhà băng đã đẩy lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn ngắn lên sát với mức lãi suất trần. Trong đó, Eximbank niêm yết lãi suất 4,7%/năm cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 4 tháng; lãi suất 4,7%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 5 tháng và lãi suất kỳ hạn 3-4 tháng tại Eximbank đã lên đến 4-4,3%/năm.
Đây cũng là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất thị trường hiện nay đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng.
Không giống như lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên được áp dụng theo cung - cầu của thị trường, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trần áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng là 4,75%/năm.
Đáng chú ý, hiện một số ngân hàng ghi nhận lãi suất huy động niêm yết ở mức cao, lên đến 7-9%. Tuy nhiên, để được nhận mức lãi suất này, cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt.
Chẳng hạn tại PVcomBank hiện dẫn đầu về lãi suất đặc biệt khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với 9,5% cho kỳ hạn 12-13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện để được trả mức lãi suất này là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỉ đồng.
Tiếp theo là HDBank với lãi suất đặc biệt khá cao, lên đến 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỉ đồng. Ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn 18 tháng.
MSB áp dụng lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỉ đồng.
Dong A Bank có lãi suất tiền gửi, kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỉ đồng trở lên áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm. Nhà băng này cũng áp dụng lãi suất 6,1% đối với kỳ hạn tháng.
Lãi suất huy động sẽ ra sao trong năm 2025?
Trong báo cáo Triển vọng năm 2025 do Công ty chứng khoán VCSC công bố mới đây, nhóm phân tích nhận định, tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 dự kiến sẽ duy trì ở mức ổn định từ 12-14%, nhờ vào nhu cầu vốn tăng từ các doanh nghiệp và tiêu dùng cá nhân, cũng như sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành một cách thận trọng, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát rủi ro, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là nguy cơ lạm phát và nợ xấu.
Nhóm chuyên gia này kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ ổn định đi ngang do quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn. Với triển vọng tăng trưởng khả quan, lạm phát hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát, tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo các yếu tố ổn định.
Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng từ các doanh nghiệp và hộ gia đình được dự báo không có sự biến động mạnh, các ngân hàng có thể tiếp tục giữ lãi suất huy động ở mức ổn định để duy trì khả năng cung ứng tín dụng mà không làm ảnh hưởng đến chi phí vốn.
VCBS cũng chỉ ra một số yếu tố cần theo dõi sẽ tác động lên tỷ giá. Cụ thể là áp lực tỷ giá, nếu có, có thể khiến nhà điều hành sử dụng các công cụ điều tiết linh hoạt theo từng bước. Ngoài ra, áp lực tăng tại lãi suất huy động có thể xuất hiện vào cuối năm, khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay; mặc dù vậy, VCBS nhận định áp lực này nếu có sẽ không lớn.