Những ngy cuối năm, khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề, lng nghề gốm, chuyên lm nồi đất nổi tiếng xã Tr Sơn, huyện Đ Lương, tỉnh Nghệ An lại tất bật, nhộn nhịp vo vụ sản xuất lớn nhất trong năm, để c đủ hng ha phục vụ cho thị trường Tết.
Nghề chỉ dành cho phái nữ
Trải qua bao thăng trầm, làng nghề Trù Sơn vẫn được duy trì cho đến ngày hôm nay
Nằm cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khoảng 80km về phía Tây, xã Trù Sơn vốn là vùng đất bán sơn địa, nơi đây đời sống của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng có một nghề truyền thống được lưu giữ hàng trăm năm qua mà hiếm có làng nghề nào có được, đó là làng nghề làm nồi đất.
Điều dễ nhận ra làng nghề này là khi tới đầu làng, đã nhìn thấy những cột khói bốc cháy, cao ngùn ngụt. Mùi khói quyện với mùi đất tỏa bay khắp làng, khiến nơi đây trở nên mờ ảo trong những ngày giá rét đầu đông.
Hỏi chuyện các cụ cao niên trong làng, cũng chẳng ai nhớ rõ làng nghề làm nồi đất có từ khi nào. Các cụ chỉ biết rằng, khi mình còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ cần mẫn bên những gánh đất sét nhào nặn, để cho ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.
Qua thời gian, cùng với nhiều ngành nghề khác nhau, máy móc đã dần thay thế công việc thủ công của con người. Thế nhưng, với làng gốm nơi đây, những sản phẩm nồi đất vẫn được ra lò hoàn toàn bằng thủ công dưới đôi bàn tay tỉ mẫn của người thợ và vẫn đậm dấu ấn của hồn quê, dân tộc.
Sau khi nhào nặn thành sản phẩm, nồi sẽ được phơi nắng trước khi cho vào lò nung
Điều đặc biệt hơn nữa, những sản phẩm này đều do bàn tay khéo léo của phụ nữ làng Trù tạo ra. Ở đây, con gái làng Trù sinh ra đã biết làm nồi đất, lớn lên học hỏi người lớn rồi trở thành thợ thực thụ khi tuổi đời còn mười tám, đôi mươi.
Để cho ra lò những sản phẩm mới, từ sáng sớm tinh mơ, những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh trong làng đã dậy kéo xe sang tận huyện Yên Thành, Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) để lấy đất sét, bởi chỉ có đất ở nơi đây mới có thể làm được.
Đến khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc đất được chở về nhà, đất sét sau khi lấy về phải tưới nước cho mềm, làm nhuyễn rồi mới đem nặn.
Nhộn nhịp “vào” vụ Tết
Về làng nghề gốm ở xã Trù Sơn những ngày này, nhìn đâu cũng bắt gặp cảnh người dân đang tất bật với việc nhào nặn để cho ra đời các sản phẩm phục vụ cho thị trường Tết.
Hiện nay làng nghề đã cho ra đời nhiều sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng như giỏ lan, ống đựng tiền tiết kiệm, ấm chén pha trà…bên cạnh các sản phẩm truyền thống từ nồi to nấu nước, nồi thường nấu cơm, nồi nhỏ kho thịt cá, rồi các loại chảo rang, siêu sắc thuốc…Tuy nhiên, loại được sản xuất thông dụng nhất vẫn là các loại nồi để kho cá, hay niêu nhỏ dùng để nấu cơm trong các nhà hàng, khách sạn.
Nung chín nồi đất là công đoạn khó khăn nhất
Những sản phẩm sau khi đã được làm xong sẽ được đem đi phơi, cuối cùng là công đoạn nung chín. Các sản phẩm sẽ được nung ngoài trời với vật liệu nung chính là bổi, lá cây dành dành, lá thông, lá bạch đàn, rơm rạ...Thời gian nung khoảng từ 2h chiều đến 6h tối, một lần nung được vài trăm cái. Sản phẩm đạt chất lượng phải chín vừa, màu đỏ, gõ kêu coong coong.
Những người làm gốm nhiều năm ở đây cho biết, gốm ở Trù Sơn có lẽ là loại gốm còn giữ được những nét cơ bản nhất của gốm cổ, làm thủ công, không tráng men, chỉ có màu đất.
Sản phẩm gốm ở đây dù không sặc sỡ, bắt mắt và tuy nhẹ, mỏng nhưng khá cứng. Điều khiến nhiều người ưa chuộng những chiếc nồi đất ở Trù Sơn chính là khi sử dụng sản phẩm này để đun nấu bất cứ thứ gì từ thức ăn, vị thuốc đều giữ nguyên được hương vị vốn có của nó.
Ông Nguyễn Đình Thảo ở xóm 6 cho biết, nghề làm nồi đất đến đời ông đã trên 10 đời. Ngày xưa, do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm nên mỗi tháng gia đình ông chỉ nung từ 1-2 lò, bình quân mỗi lò làm ra 300 sản phẩm rồi dùng xe thồ chở đi rao bán khắp nơi, rất vất vả mà thu nhập không cao.
Dịp cuối năm, làng nghề nhộn nhịp sản xuất cho ra lò những sản phẩm mới phục vụ Tết
Bây giờ, sản phẩm nồi đất làm ra được khách hàng nhiều tỉnh đến tận làng thu mua rất thuận lợi, nên mỗi tháng nhà ông nung 4-5 lò, cho thu nhập mỗi tháng gần 30 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện nay toàn xã Trù Sơn có khoảng 50 hộ làm nghề gốm, tập trung chủ yếu ở các xóm 6,7.
Bình quân mỗi tháng, làng nghề làm ra hàng chục ngàn sản phẩm và đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân nơi đây.
Năm 2020, làng nghề gốm Trù Sơn đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề. Tuy nhiên, để làng nghề nồi đất truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm duy nhất ở xứ Nghệ không bị mai một đi, đó cũng là điều mà các bậc cao niên ở làng và chính quyền địa phương vẫn luôn trăn trở.
Ông Nguyễn Thụy Chính – Chủ tịch UNND xã Trù Sơn cho biết, hiện nay con em không mấy mặn mà với nghề truyền thống này, một phần do nguyên liệu khó tìm, một phần giới trẻ đi nước ngoài hay đi làm ăn xa, nên chỉ có phụ nữ là chủ yếu.
Tuy nhiên, với mong muốn làng nghề hàng trăm năm không bị mai một, địa phương vẫn luôn nỗ lực để kết nối và giới thiệu sản phẩm đi xa hơn với mong muốn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trải qua bao thế hệ, nhiều lúc thăng trầm, nhưng những người thợ ở Trù Sơn vẫn mãi say nghề, say đất. Đó không chỉ là nét đẹp truyền thống cần lưu giữ của làng nghề gốm cổ lâu đời này, mà còn là nét đặc trưng riêng của vùng đất xứ Nghệ.