Pháp luật

Đọc vị những "cạm bẫy" của bọn buôn bán người

Thanh Phương 30/06/2023 - 22:

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa thông báo một số thủ đoạn của bọn buôn bán người. Mua bán người hay buôn bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể để bán hoặc vì các mục đích vô nhân đạo khác.

Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra, làm rõ và khởi tố gần 20 vụ, 31 bị can phạm tội “Mua bán người”, tiến hành giải cứu trên 44 nạn nhân bị các đối tượng lừa bán.

nhommuaban(1).jpg
Nhóm đối tượng buôn người và tài liệu liên quan

Người dân cần cảnh giác với một số thủ đoạn của các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mua bán người. Như hứa hẹn việc làm nhàn hạ có thu nhập cao; Dụ dỗ lôi kéo đi làm ăn xa hoặc buôn bán gần biên giới; Môi giới hôn nhân với người nước ngoài; Lợi dụng xuất khẩu lao động hoặc đi du lịch nước ngoài để lừa đảo; Nhận con nuôi…

Để tránh rơi vào bẫy của bọn buôn người, cần đọc kỹ nội dung hợp đồng trước khi bắt đầu một công việc, đồng thời tìm hiểu nơi sẽ đến làm việc và thông báo cho gia đình biết sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa.

doituongtuan(1).jpg
Đối tượng Tuấn tại cơ quan điều tra

Thông báo địa chỉ, số điện thoại cho gia đình khi có thay đổi chỗ ở, nơi làm việc và giữ liên lạc thường xuyên với gia đình. Không cho con cái đi làm xa gia đình với người lạ khi con chưa đủ 18 tuổi, sao chụp các tài liệu liên quan đến chuyến đi như hộ chiếu, căn cước công dân, hợp đồng để lại cho người thân, gia đình.

Luôn lưu số điện thoại, địa chỉ của người thân, Cơ quan Công an trong danh bạ điện thoại để kịp thời liên lạc. Nếu phát hiện đối tượng có hành vi mua bán người, hãy đến ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo hoặc liên hệ qua đường dây nóng Công an tỉnh số điện thoại 02373.725.725 để được hướng dẫn giải quyết.

baocongan.jpg
Đường dây nóng của Công an Thanh Hóa tiếp nhận tin tố giác tội phạm trong đó có buôn người

Gần đây nhất, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá thành công một đường dây “Mua bán người” liên tỉnh, xuyên quốc gia với nhiều thủ đoạn rất tinh vi, bắt giữ 3 đối tượng chính, giải cứu thành công 4 phụ nữ chuẩn bị được đưa sang Trung Quốc làm “dâu”.

Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an huyện Thọ Xuân bắt quả tang Nguyễn Thị Dương (SN 1994), ở Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đang trên đường đưa 4 người phụ nữ khác là N.T.C. (SN 1993), L.T.C. (SN 1997), đều trú tại tỉnh Thanh Hóa; K.T.T.R. (SN 1993), trú tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang và L.T.Q. (SN 1988), trú tại huyện Tân Phú, tỉnh Cà Mau ra các tỉnh phía Bắc để vượt biên sang Trung Quốc.

Đấu tranh, mở rộng Chuyên án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục bắt giữ Hồ Thị Vớn (SN 1989), trú Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP Hải Phòng và Nguyễn Châu Tuấn (SN 1992), trú tại xã Tăng Phức Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là những đối tượng liên quan trong đường dây “Mua bán người” trên.

Trong đó, Hồ Thị Vớn, từng có thời gian lấy chồng người Trung Quốc tại tỉnh Hồ Nam từ năm 2016. Do cuộc sống khổ cực và mâu thuẫn với nhà chồng nên cuối năm 2019 đã bỏ về Việt Nam sinh sống.

Không nghề nghiệp, lại sẵn có mối quan hệ với một số đối tượng “Mua bán người” bên Trung Quốc, Vớn đã kết nối với các đối tượng bên phía Trung Quốc thiết lập đường dây “Mua bán người” (chủ yếu là phụ nữ trẻ tuổi) từ Việt Nam bán sang Trung Quốc. Nhờ mạng xã hội (Wechat, zalo…), Vớn kết nối với nhiều đối tượng ở trong nước (trong đó có Dương) để tìm những phụ nữ trẻ tuổi Việt Nam đưa sang Trung Quốc.

Nguyễn Thị Dương là một đối tượng đã từng vượt biên lao động trái phép bên Trung Quốc nên cũng thông thạo đường đi, nước bước đã ra sức đăng tải thông tin lên mạng xã hội dụ dỗ, lôi kéo những phụ nữ nhẹ dạ cả tin để vượt biên sang Trung Quốc. Thông qua Dương, Nguyễn Châu Tuấn đã kết nối và tìm kiếm những phụ nữ đang sinh sống tại các tỉnh phía Nam để nhập vào đường dây này đưa sang Trung Quốc.

Chỉ trong thời gian ngắn, Nguyễn Thị Dương đã dụ dỗ được 2 nạn nhân ở Thanh Hóa là N.T.C. (SN 1993), L.T.C. (SN 1997); Nguyễn Châu Tuấn đã lừa được 2 nạn nhân khác ở An Giang, Cà Mau là K.T.T.R. và L.T.Q. để đưa sang Trung Quốc. Khi Nguyễn Thị Dương thuê xe ô tô đón 2 nạn nhân tại Thanh Hóa và chạy thẳng lên Cảng hàng không Thọ Xuân đón 2 nạn nhân ở An Giang, Cà Mau vừa bay từ TP HCM ra nhập đoàn thì bị phát hiện, bắt giữ.

Thủ đoạn của chúng là sau khi xác định được con mồi, bọn chúng sẽ tìm cách làm quen, kết thân và tạo niềm tin cho con mồi rằng: Sang Trung Quốc làm “dâu” (kết hôn với đàn ông Trung Quốc) trong thời gian theo ngày, hoặc theo tháng thì sẽ được trả 80 đến 120 triệu đồng Việt Nam. Sau đó, nếu không muốn làm “dâu” nữa thì ra ngoài làm việc. Vì hám lợi trước số tiền lớn, nhiều phụ nữ đã mắc bẫy của chúng.

Mua bán người là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm bởi những hệ lụy lâu dài đối với bản thân nạn nhân và toàn xã hội. Qua công tác đấu tranh cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Hầu hết các vụ án mua bán người xảy ra đều có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước.

Bọn chúng lợi dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, kể cả mạng xã hội nước ngoài như Wechat… tiếp cận, làm quen với “con mồi” để bán sang Trung Quốc thu lợi cho bản thân. Những phụ nữ, em gái khi sang đến Trung Quốc sẽ bị ép làm gái mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, hoặc lao động cưỡng bức tại cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, bị đánh đập, đối xử bất công, giam lỏng…

Để ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, song song với công tác đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân, để mỗi người phải tự nâng cao tình thần cảnh giác, không nghe, không tin vào những lời dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu và mắc vào “bẫy” mua bán người của chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đọc vị những "cạm bẫy" của bọn bun bán người