Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, TAND TP Hà Nội đã nhanh chóng triển khai thành lập 12 Tòa án khu vực, thay thế cho 30 Tòa án cấp huyện trước đây. Với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, lãnh đạo Tòa án Thành phố đã chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt, không gián đoạn hoạt động xét xử, góp phần hiện thực hóa mô hình Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, gần dân, vì nhân dân phục vụ.
PV: Thưa đồng chí, việc thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính, tổ chức chính quyền 2 cấp là một bước đi lớn nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. TAND TP Hà Nội đã tiếp cận và triển khai chủ trương này như thế nào trong thời gian vừa qua?
Phó Chánh án Đào Sỹ Hùng: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền 2 cấp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Việc sáp nhập này có ý nghĩa chiến lược trong tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời phục vụ tốt hơn cho nhân dân.
Là cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện quyền tư pháp, TAND TP. Hà Nội nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương này và đã chủ động thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần thiết.
Cụ thể, ngay sau khi có chủ trương sáp nhập địa giới hành chính, lãnh đạo TAND Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp để đánh giá, rà soát tình hình tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất, địa bàn giải quyết các vụ việc. Trong quá trình thực hiện, đơn vị luôn bám sát chỉ đạo của TANDTC, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chánh án TANDTC. Chủ động xin ý kiến chỉ đạo của TANDTC, Thành ủy về cơ cấu tổ chức liên quan đến con người, bộ máy hoạt động của Tòa khu vực cũng như nơi đặt trụ sở của Tòa khu vực…; phối hợp với UBND Thành phố cùng các sở, ngành liên quan về sắp xếp địa giới hành chính để bảo đảm quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, ngay sau khi có chỉ đạo của TANDTC, Thành ủy, chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai, xây dựng kế hoạch thành lập TAND khu vực, bảo đảm phù hợp với địa giới hành chính mới. Trong đó, tập trung rà soát toàn bộ tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất và địa bàn xét xử để bảo đảm sự chuyển tiếp thông suốt, hợp lý, đúng pháp luật.
Các giải pháp đều được thực hiện trên nguyên tắc: tuân thủ đúng quy định của pháp luật và các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước, không để gián đoạn hoạt động xét xử, không để ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Đồng thời, giữ vững tính ổn định, kế thừa trong tổ chức bộ máy và hoạt động chuyên môn, tạo nền tảng cho mô hình TAND hai cấp TP. Hà Nội đáp ứng được yêu cầu về chính trị và chuyên môn trong tình hình mới.
Kết quả đạt được, sau khi Quốc hội thông qua Luật tổ chức Tòa án năm 20 và sửa đổi bổ sung năm 2025 ngày tháng 6 năm 2025 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2025, ngày 1/7/2025, mô hình TAND khu vực thuộc TAND TP Hà Nội đã được đi vào hoạt động, đảm bảo quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, người dân khi đến làm việc và tham gia tố tụng, không bị gián đoạn do tình hình sát nhập.
PV: Ngay sau khi thực hiện việc sáp nhập, TAND TP. Hà Nội đã nhanh chóng thành lập 12 Tòa án khu vực. Xin đồng chí chia sẻ cụ thể về các định hướng, nhiệm vụ trọng tâm mà Ban lãnh đạo Tòa án thành phố đã đề ra cho các đơn vị này trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động?
Phó Chánh án Đào Sỹ Hùng: Sau khi địa giới hành chính cấp huyện tại Hà Nội được sáp nhập, TAND TP. Hà Nội đã nhanh chóng triển khai việc thành lập 12 TAND khu vực, thay thế cho 30 TAND cấp huyện trước đây. Đây là bước chuyển lớn về mặt tổ chức bộ máy, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, từ nhân sự, cơ sở vật chất, đến cơ chế phối hợp. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện gấp nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động thực tiễn.
Ví dụ như: Các Bộ Luật tố tụng chưa được sửa đổi, tâm lý và chuyên môn của Thẩm phán cấp sơ thẩm hay cơ sở vật chất một số đơn vị chưa đảm bảo để đám ứng nhu cầu công việc. Vì vậy, trong giai đoạn đầu chuyển đổi, lãnh đạo TAND TP Hà Nội đã đề ra những kế hoạch, chương trình hành động mang tính cấp thiết nhưng cũng là tiền đề để phát triển TAND hai cấp Hà Nội trong giai đoạn mới.
Cụ thể, Ban lãnh đạo TAND thành phố đã xác định các định hướng trọng tâm cho giai đoạn đầu như sau: Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức và nâng cao năng lực chuyên môn. TAND hai cấp Hà Nội đã tiến hành rà soát, điều chuyển cán bộ công chức có chức danh tư pháp thuộc hai cấp Tòa án sau khi sáp nhập theo nguyên tắc “phân công, bố trí cán bộ công chức có chức danh tư pháp phù hợp với năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác và yêu cầu thực tiễn”, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của cán bộ công chức, đảm bảo các đơn vị đầy đủ quân số nhằm đám ứng tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó là tổ chức các buổi tập huấn để bồi dưỡng cho đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký nhằm nâng cao năng lực chuyên môn qua đó đám ứng yêu cầu thực tiễn. Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có kiến thức pháp lý chuyên sâu, năng lực phân tích nghiệp vụ vững vàng và khả năng xử lý công việc trong thời gian ngắn nhưng vẫn bảo đảm tính khách quan, toàn diện và chính xác.
Ví dụ đối với TAND thành phố: Theo quy định của pháp luật thì từ ngày 1/7/2025 đơn vị được tăng thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm và giải quyết các yêu cầu liên quan đến phán quyết của trọng tài.... Bên cạnh đó là thẩm quyền Thanh tra, thẩm quyền này có hiệu lực trước 1/7/2025 nhưng đây cũng là một nhiệm vụ mới hiện chưa có hướng dẫn. Chính vì vậy việc rà soát, lựa chọn người có đủ điều kiện nhằm đáp ứng nhu cầu là rất cần thiết.
Hay đối với Tòa án cấp khu vực, theo đó tăng thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các loại án, khi đó khối lượng công việc ngày một tăng, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mai, Lao động, Hành chính với tính chất ngày càng phức tạp.
Đặc biệt đối với án Dân sự và án Hành chính sơ thẩm, đây là hai loại án rất khó và phức tạp, nay chuyển về cấp khu vực cũng tạo ra nhiều áp lực đối với đội ngũ lãnh đạo, Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Điều này đòi hỏi người thực hiện nhiệm vụ phải không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực công tác, qua đó sớm thích nghi với thay đổi.
Chính vì vậy, việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ kỹ năng giải quyết các loại án là rất cần thiết. Trên cơ sở đó, lãnh đạo TAND TP Hà Nội đã thống nhất và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức giữ chức danh tư pháp hai cấp vào ngày /7/2025.
Thứ hai, đảm bảo hoạt động của Tòa án khu vực và quản lý cơ sở vật chất, hồ sơ tài liệu sau sáp nhập. Trong công tác chuyên môn, TAND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị sau sáp nhập tiếp tục chủ động rà soát, thống kê toàn bộ hồ sơ, sổ sách, tài liệu, các đơn khởi kiện và tiếp nhận đơn khởi kiện từ cấp tỉnh để kịp thời phân loại xử lý đơn theo quy định; tránh tình trạng mất mát thất lạc, bảo đảm hoạt động giải quyết vụ việc không bị gián đoạn.
Các vụ án đang thụ lý được bàn giao và giải quyết đúng thời hạn, đúng thẩm quyền theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật tố tụng hành chính. Trên cơ sở đó, yêu cầu cấp khu vực kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Việc báo cáo thực hiện bằng văn bản nêu rõ khó khăn vướng mắc, nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng khắc phục.
Trong công tác quản lý cơ sở vật chất, TAND TP Hà Nội đã yêu cầu các TAND khu vực sau sáp nhập thực hiện rà soát, lập danh mục toàn bộ tài sản, hồ sơ, sổ sách, tài liệu, trang thiết bị hiện đang quản lý và sử dụng.
Trên cơ sở đó, xây dựng phương án sử dụng, bảo quản và quản lý hiệu quả toàn bộ tài sản, hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ sở vật chất không bảo đảm điều kiện làm việc, giải quyết án hoặc tiếp công dân, đơn vị cần chủ động lập phương án cụ thể, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để kịp thời sửa chữa, bổ sung, bố trí lại phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Đặc biệt, cần lưu ý việc bố trí trụ sở làm việc theo hướng tập trung vào một đầu mối làm việc, hạn chế tối đa việc sử dụng nhiều trụ sở phân tán gây khó khăn trong công tác quản lý cán bộ, phân công xử lý án và phục vụ cá nhân, tổ chức đến làm việc. Trên cơ sở đó dần dần hướng tới kiện toàn trụ sở làm việc theo hướng về một đầu mối của Tòa án khu vực nhằm tăng hiệu quả quản lý điều hành.
Thứ ba, đổi mới phương thức quản lý và nâng cao chất lượng xét xử. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin đã có sẵn như phần mềm quản lý án, trợ lý ảo để phục vụ tra cứu và công bố, quản lý án. Từng bườc xây dựng phần mềm công tác quản lý án và điều hành nội bộ, xử lý các công việc hành chính, tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự trên môi trường mạng, từng bước triển khai các giải pháp chuyển đổi số hướng tới định hướng Tòa án điện tử của TANDTC.
Như vậy, với ba giải pháp chính này, tôi nhận thấy việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhất là về biên chế, nâng cao năng lực chuyên môn, điều kiện làm việc và cơ chế vận hành của Tòa án hai cấp, đổi mới phương thức làm việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ là yêu cầu mang tính thời điểm mà còn là giải pháp lâu dài, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng xét xử, hiệu quả công việc, đảm bảo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
PV: Trong quá trình triển khai, chắc hẳn có nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất và nhân sự. Lãnh đạo TAND TP Hà Nội đã có giải pháp gì để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hoạt động xét xử của các TAND khu vực diễn ra ổn định, thông suốt?
Phó Chánh án Đào Sỹ Hùng: Khó khăn là điều không thể tránh khỏi trong một quá trình chuyển đổi lớn như vậy. Chúng tôi nhận diện rõ hai nhóm khó khăn chính:
Về khách quan, đó là: Địa bàn xét xử của các Tòa án khu vực mở rộng, dân số đông, khối lượng án tăng nhưng cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Một số trụ sở xuống cấp, thiết bị làm việc còn thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân. Tình hình thiếu biên chế; chưa có phần mềm quản lý công việc, nhiều công việc vẫn thực hiện thủ công.
Trên thực tế tôi nhận thấy nhiều cơ quan, sở ngành thuộc Thành phố đã thực hiện việc xử lý công việc, giao việc trên phần mền quản lý nội bộ, theo đó công đoạn phân việc giao việc, xử lý việc được thực hiện trên môi trường mạng rất thuận lợi. Một bất cập nữa đó là quy định của pháp luật còn hạn chế, không còn phù hợp, chưa đáp ứng với tình hình hiện tại hay Hội đồng định giá cấp cơ sở, cấp tỉnh chưa được kiện toàn.
Ví dụ: Đối với việc định giá tài sản trong tố tụng, Hội đồng định giá tài sản cấp cơ sở chưa được kiện toàn dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức tiến hành định giá tài sản.
Về chủ quan, bao gồm: Tâm lý chưa ổn định trong đội ngũ cán bộ, sự chênh lệch về trình độ giữa các đơn vị trước khi sáp nhập và chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý mô hình Tòa án khu vực.
Trước thực trạng đó, chúng tôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Đề xuất Thành phố, TANDTC hỗ trợ nguồn lực đầu tư nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, ưu tiên bố trí phòng xử án trực tuyến, cơ sở dữ liệu số, phòng tiếp dân đạt chuẩn; Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, họp giao ban theo hình thức trực tiếp, trực tuyến; kiểm tra định kỳ nhằm tháo gỡ vướng mắc, tồn tại nâng cao chất lượng công tác quản lý và chuyên môn; Kiến nghị với UBND Thành phố sớm kiện toàn Hội đồng định giá ở cấp tỉnh, cấp cơ sở liên quan đến định giá tài sản theo pháp luật tố tụng. Kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn trả lời cũng như sửa đổi những quy định không còn phù hợp.
Bên cạch đó, đơn vị dự kiến sẽ luân chuyển một số cán bộ có năng lực chuyên môn tốt về Tòa án khu vực để hỗ trợ nhằm bảo đảm việc tiếp công dân, thụ lý, giải quyết vụ án không bị gián đoạn. Theo tinh thần phân bổ lại nhân sự linh hoạt, bố trí Thẩm phán theo nhóm chuyên môn, đồng thời tăng cường Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên có năng lực tại các đơn vị trọng điểm, tăng thẩm quyền và thẩm quyền chuyên biệt.
Một giải pháp mang tích chiến lược và dài hạn đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tố tụng, quản lý và xử lý văn bản. Xây dựng đề án số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới mô hình "Tòa án không giấy", triển khai các thủ tục tố tụng trên môi trường điện tử để giảm tải áp lực hành chính.
PV: Với bước chuyển mình mạnh mẽ này, TAND TP Hà Nội kỳ vọng điều gì trong thời gian tới đối với mô hình Tòa án khu vực và việc nâng cao chất lượng công tác xét xử, phục vụ tốt hơn cho người dân trên địa bàn Thủ đô?
Phó Chánh án Đào Sỹ Hùng: Mô hình Tòa án khu vực không chỉ giúp tinh gọn tổ chức, giảm đầu mối mà còn tạo điều kiện để chuyên môn hóa, nâng cao chất lượng công tác xét xử. Với đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký được bố trí hợp lý, chuyên sâu theo lĩnh vực, các Tòa án khu vực có điều kiện tăng cường chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp.
Bên cạnh đó, mô hình này cũng mở ra khả năng tối ưu hóa nguồn lực, đầu tư tập trung cho chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử và nâng cao năng lực quản trị trong tương lai. Các đương sự sẽ được phục vụ tốt hơn thông qua các thủ tục đơn giản, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí.
TAND TP Hà Nội kỳ vọng rằng, trong thời gian tới, mô hình Tòa án khu vực sẽ thực sự phát huy hiệu quả cả về tổ chức bộ máy lẫn chất lượng hoạt động chuyên môn. Ban lãnh đạo Tòa án Thành phố rất kỳ vọng với mô hình này và quán triệt Tòa án khu vực thực hiện nhiệm vụ theo phương châm: “Chủ động - trách nhiệm - công khai - minh bạch”, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và người dân làm mục tiêu phấn đấu, hướng tới xây dựng hình ảnh Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, gần dân, học dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện thành công chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Việc triển khai mô hình Tòa án khu vực tại Hà Nội là bước đi tất yếu và đúng hướng trong bối cảnh cải cách bộ máy hành chính Nhà nước và hoạt động tư pháp. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của TANDTC đặc biệt là đồng chí Chánh án TANDTC, TAND TP Hà Nội quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ. Dù có khó khăn, thử thánh nhưng vẫn thực hiện theo phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, sau 21 ngày hoạt động theo mô hình mới, TAND khu vực đang dần đi vào ổn định và phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, gần dân, học dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
PV: Xin cảm ơn ông!