Vụ đoàn xe máy lao với tốc độ cao gây ra cái chết của cô gái 27 tuổi tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, Hà Nội, thêm một lần nữa dấy lên sự phẫn nộ đối với hành vi nguy hiểm này trong một bộ phận thanh thiếu niên.
Vụ việc gây phẫn nộ, bức xúc
Hiện tượng thanh thiếu niên tụ tập gây rối và thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật đã và đang diễn ra nhức nhối ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Vụ nhóm 'quái xế' tông tử vong một cô gái trẻ ở Hà Nội, hiện Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 10 đối tượng để điều tra, làm rõ.
Báo cáo của Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết: Rạng sáng 3/11, cô gái 27 tuổi điều khiển xe máy theo hướng từ ga Hà Nội - Bệnh viện 108, đang dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu thì gặp nhóm xe máy di chuyển với tốc độ cao theo hướng ngược lại trên phố Trần Hưng Đạo.
Hai xe trong đoàn xe máy này đã đâm vào cô gái, khiến nạn nhân ngã văng ra đường, tử vong tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, cả nhóm rời hiện trường. Bước đầu, công an xác định, nhóm thanh, thiếu niên đua xe có độ tuổi 16-19. Trong số này có nhiều học sinh.
Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, vụ việc xảy ra để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Báo động tình trạng không chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Vụ việc để lại cho gia đình nạn nhân nỗi đau dai dẳng khi mất đi người thân, những tổn thương tinh thần vô cùng to lớn. Đáng báo động hơn, nhóm "quái xế" có những đối tượng điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi chưa có giấy phép lái xe, khi xảy ra hậu quả tai nạn đã bỏ chạy nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Hành vi này của nhóm đối tượng bị cả xã hội lên án, trái lương tâm, đạo đức ứng xử giữa con người với con người, các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh theo các quy định pháp luật.
Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại khoản 9, 11, 23 điều 8, điều 9, 12, 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Các hành vi có dấu hiệu phạm "Tội gây rối trật tự công cộng" được quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự. Trường hợp bị khởi tố về tội danh này, nhóm đối tượng có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất tới 7 năm tù.
Riêng hai đối tượng gây ra cái chết cho nạn nhân có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất tới 10 năm tù.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 584, 585, 586, 587, 589, 591 Bộ luật Dân sự năm 20, hai đối tượng đâm nạn nhân có trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường toàn bộ các thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm cho thân nhân gia đình nạn nhân.
Đua xe trái phép là "tội ác"
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, một bộ phận thanh thiếu niên tham gia đua xe vì ảo tưởng đua xe là "ngầu" từ những lời tôn sùng lệch lạc. Hành vi này cũng có thể bị kích động từ nội dung phản cảm mà các bạn trẻ đã tiếp xúc quá nhiều trên mạng xã hội. Có những đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để chứng tỏ bản thân sẵn sàng "đương đầu với mọi lời thách thức".
Cũng có thể do các đối tượng thiếu trải nghiệm tích cực, thiếu sự quan tâm và giáo dục kỹ lưỡng về pháp luật, cùng áp lực của nhóm bạn xấu xúi giục nên thực hiện những hành vi này trong trạng thái bốc đồng, thiếu lý trí.
Theo Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, "dân đua" chủ yếu là thanh niên, mà thanh niên thì luôn hiếu động, giàu năng lượng, thích cảm giác mạnh, thích thể hiện mình để chứng tỏ bản lĩnh hay đẳng cấp với người xung quanh, ưa đàn đúm theo nhóm có cùng sở thích...
Vẫn biết nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, ban đầu những đối tượng này cũng sợ nhưng rồi bị bạn bè trong nhóm lôi kéo, rủ rê, mà tâm lý không ai muốn bị chê là nhát, là kém nên vẫn tham gia. Nếu có chuyện gì thì đã có bố mẹ lo. Rồi khi đến đường đua, không khí huyên náo, kích động khiến con người ta quên hết sợ hãi.
Đây là những hành vi không những vi phạm trật tự an toàn giao thông mà còn gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Các đối tượng đều biết là pháp luật cấm đua xe trên đường, nhưng do thiếu ý thức chấp hành pháp luật nên họ vẫn tham gia.
Vụ quái xế gây tai nạn làm chết người ở Hà Nội lần này là một minh chứng rõ nét cho thấy sự cần thiết phải có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Dư luận rất đồng tình với việc tăng cường hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát, mạnh tay hơn trong việc xử phạt hành vi đua xe trái phép, tăng chế tài xử phạt nặng hơn nữa, bao gồm tịch thu phương tiện và xử lý hình sự những đối tượng này.
Phải xếp hành vi đua xe là hành vi gây nguy hiểm đặc biệt cho tính mạng con người và an ninh trật tự xã hội. Thậm chí phải xử lý tình trạng đua xe bằng những biện pháp đặc biệt, ngoại lệ như áp dụng với hành vi phạm tội quả tang.
Và không chỉ là vấn đề giao thông, tình trạng đua xe của thanh thiếu niên còn phản ánh một thách thức lớn về giáo dục và văn hóa. Trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về gia đình mà gần gũi nhất là cha mẹ.
Khi các đối tượng lấy xe máy phóng ra đường lúc đêm khuya thì các bậc làm cha làm mẹ đang ở đâu? Họ có biết việc con mình đang làm hay không? Mỗi đứa trẻ sinh ra đều cần nhận được sự quan tâm đầy đủ về vật chất và tinh thần. Hãy làm sao để chúng trở thành người có ích chứ không phải là gánh nặng cho xã hội.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cùng với sự tham gia của gia đình (không mua xe, giao xe cho con chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái) và cộng đồng sẽ góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn.