Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đường sắt cao tốc - bệ phóng công nghệ của quốc gia

Trang Nhi 21/05/2025 - 10:55

Đầu tư cho đường sắt cao tốc là sự đầu tư hiệu quả cho tương lai của ngành công nghiệp mới gắn với đào tạo nhân lực, chuyển giao, thiết kế và phát triển công nghệ.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được Quốc hội thông qua cuối năm 20, chủ trương theo hình thức đầu tư công với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD).

duong-sat-cao-toc.jpg
Ảnh minh họa

Không giống các dự án hạ tầng truyền thống, đường sắt cao tốc (ĐSCT) là kết tinh của hàng loạt công nghệ hiện đại và đòi hỏi hệ sinh thái công nghiệp khép kín. Ngành công nghiệp ĐSCT là tổ hợp đa tầng, tích hợp hàng trăm công nghệ cao và có tính lan tỏa mạnh đến nhiều ngành kinh tế khác.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Kỹ thuật Berlin, Đức) khẳng định, công nghiệp ĐSCT chính là đại diện tiêu biểu cho công nghiệp hiện đại, bên cạnh ngành công nghiệp sản xuất ô tô và máy bay. Quốc gia nào làm chủ được ngành này, quốc gia đó đã bước sang một trình độ phát triển mới.

Sản xuất ĐSCT đòi hỏi trình độ cơ khí chính xác rất cao. Mỗi đoàn tàu cao tốc bao gồm hàng chục toa xe, với hàng nghìn linh kiện và chi tiết phức tạp, từ chất liệu khung vỏ nhẹ, hệ thống phanh điện - khí, cho tới hệ giá chuyển hướng chống rung, động cơ kéo, hệ thống điều khiển tự động, cảm biến tốc độ, và vô số các công nghệ vật liệu tiên tiến để đảm bảo vận hành ở tốc độ cao mà vẫn an toàn.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, để vận hành một đoàn tàu cao tốc, mỗi toa xe cần hàng trăm, thậm chí hàng ngàn linh kiện cơ khí, điện tử và tự động hóa, hầu hết phải sản xuất với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Bên cạnh đó, công nghiệp ĐSCT còn là nơi hội tụ của các ngành công nghệ số. Từ điều khiển trung tâm, quản lý hành trình, vận hành tự động đến hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây… đều được tích hợp nhằm tối ưu vận hành và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Phát triển ngành công nghiệp ĐSCT tại các quốc gia không chỉ giải quyết hàng trăm ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp, mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và tăng năng suất lao động. Theo TS Mai Văn Sinh, chuyên gia về chính sách công nghiệp, một trong những lĩnh vực được hưởng lợi trực tiếp từ ngành công nghiệp ĐSCT là du lịch.

Đặc biệt, Việt Nam có dư địa rất lớn để phát triển ngành công nghiệp ĐSCT. Bên cạnh quy mô dân số lớn, mạng lưới các hành lang kinh tế liên vùng đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài tuyến trục Bắc - Nam, còn rất nhiều trục phát triển khác như Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung, TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, hay Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh…

Đây đều là những hành lang cần hạ tầng vận tải tốc độ cao để giải tỏa áp lực đường bộ, rút ngắn thời gian di chuyển, đồng thời tạo điều kiện cho hàng hóa và lao động dịch chuyển nhanh chóng giữa các trung tâm kinh tế, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Với Việt Nam, ngành công nghiệp này sẽ giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị, tạo việc làm có giá trị gia tăng cao, đồng thời nâng cao năng lực nội sinh của nền công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt cao tốc - bệ phng cng nghệ của quốc gia