Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và đội tuần rừng của huyện Mù Cang Chải đã tiếp cận quần thể cây thiết sam và pơ mu và tổ chức cắm biển Cây di sản Việt Nam.
Tại Việt Nam, pơmu được coi là một loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp cũng như trọng lượng khác thường và có đặc tính không bị mối mọt phá hoại. Do vậy, gỗ pơmu được sử dụng để làm các đồ tạo tác mỹ thuật, các loại đồ gia dụng. Đây còn là loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào “sách đỏ.”
Mới đây, hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vừa tổ chức gắn biển công nhận Cây di sản Việt Nam đối với trên 4.000 cây thiết sam Đông Bắc và cây pơ mu tại khu vực Tà Cay Đằng, thuộc địa phận bản Nả Háng, xã Chế Tạo.
Các cây thiết sam và pơ mu nằm trong diện tích của Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải rộng trên 20.000 ha. Khu vực này hiện có trên 1.000 cây thiết sam có độ tuổi từ 400 đến 800 năm, đường kính từ 2,5m đến 5,8m hoặc to hơn.
Cùng đó là trên 3.000 cây pơ mu mọc tự nhiên, tập trung chủ yếu ở xã Chế Tạo, hầu hết trên 100 năm tuổi; một số cây có đường kính trên 2m, trong đó trên 1.000 cây có đường kính từ 1- 1,8m, chiều cao từ - 20 m.
Hiện ở Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải còn có 221 loài, 162 giống, 61 họ thuộc hệ động vật có xương sống trên cạn; trong đó có 53 loài thú, 130 loài chim, 26 loài bò sát, 12 loài lưỡng cư...
Đặc biệt, nơi đây cùng một số đàn vượn đen tuyền và nhiều loài động thực vật quý hiếm khác đang được cấp ủy, chính quyền và người dân bảo vệ nghiêm ngặt.
Việc tuyển chọn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng từ năm 2010 với tên gọi "Bảo tồn cây Di sản Việt Nam" được nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng. Đến nay đã có hàng trăm cây, quần thể cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Đây là những cây thân gỗ mọc tự nhiên hoặc được trồng, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hoá, lịch sử... được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận và được bảo tồn tốt nhất theo khả năng có thể.
Việc lựa chọn và vinh danh Cây Di sản góp phần bảo tồn nguồn gen tiêu biểu, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.