Tin địa phương

Giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu: Giây phút cảm tử trên những cây cầu

Lê Hương 22/11/20 - 13:05

Mùa xuân lịch sử 1975, quân và dân Bà Rịa, Vũng Tàu đoàn kết một lòng đồng loạt mở các cuộc tiến công thần tốc, dũng mãnh đánh tan lực lượng địch tại các căn cứ quân sự trên địa bàn tỉnh. Bằng sức mạnh áp đảo, chỉ trong vòng chưa đầy 4 ngày (từ 17 giờ ngày 26/4 đến 13 giờ ngày 30/4/1975) giải phóng hoàn toàn tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Trận đánh cầu Cỏ May

Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn bộ binh 3 - Sao Vàng trong đội hình cánh quân duyên hải, tiến công trên hướng Đông Nam của chiến dịch. Nhiệm vụ của Sư đoàn là tiến công bên cánh trái Quân đoàn 2, giải phóng TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu. Trung đoàn bộ binh 12 và 141 trực tiếp tiến công Bà Rịa, Trung đoàn 2 là lực lượng chủ yếu tiến công giải phóng Vũng Tàu, chặn địch tháo chạy ra đường biển.

brvt2_0545.jpg
Ảnh tư liệu

Chiều tối 27/4, Trung đoàn 2 bám sát đội hình tiến công của Trung đoàn 141. Sở chỉ huy Trung đoàn 2 họp triển khai kế hoạch trận đánh ở cầu Cỏ May. Cầu Cỏ May ngày ấy là một mục tiêu hiểm yếu, bởi địa hình rất phức tạp. Cầu dài chưa đến 100m, nhưng sông sâu, nước chảy xiết. Điều bất lợi với quân ta là toàn bộ địa hình xung quanh đầu cầu bờ Bắc bằng phẳng, sình lầy, không triển khai được nhiều lực lượng. Ngược lại, bên kia cầu, đối phương ở địa hình cao, có làng mạc nhô ra gần sát bờ sông, tạo địa thế lý tưởng trong phòng ngự. Trước khi tháo chạy khỏi Bà Rịa xuống Vũng Tàu, địch đã phá sập cầu Cỏ May vào chiều 27/4, đồng thời đuổi hết ngư dân lên thượng nguồn sông Cỏ May, đề phòng ta sử dụng tàu thuyền của dân để vượt sông.

Suốt cả ngày 28/4, Tiểu đoàn 3 tổ chức nhiều cuộc vượt sông nhưng đều bị hỏa lực địch phía bên kia chặn lại và nhiều người bị thương vong. Trước tình hình này, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 quyết định chuyển hướng tiến công chủ yếu sang phía Đông. Trung đoàn bộ binh 12 tiến ra hướng Long Hải, huy động tàu thuyền của ngư dân vượt eo biển Cửa Lấp tiến vào Vũng Tàu. Hướng tiến công của Trung đoàn 2 trở thành hướng thứ yếu, tiếp tục khắc phục khó khăn, tổ chức vượt sông, tiến công theo trục đường (nay là QL51) vào Vũng Tàu.

ba-ria-vung-tau.jpg
Thành phố Vũng Tàu đẹp hiện đại

Khoảng 3 giờ sáng 29/4, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Lê Đình Như, Tiểu đoàn 3 tiếp tục vượt sông nhưng bị địch nã pháo, đạn xối xả khiến nhiều chiến sĩ ta hy sinh và bị thương. Đến 9 giờ sáng, khi Trung đoàn 12 vượt qua được sông Cửa Lấp, trên đường tiến xuống Vũng Tàu, một đại đội của Tiểu đoàn 6 tách khỏi đội hình Trung đoàn 12, từ phía Đông tiến sang lộ , như một mũi dao xuyên thẳng vào mạn sườn và sau lưng tiểu đoàn thủy quân lục chiến địch đang cố thủ tại đầu cầu phía Nam, bắn cháy 2 xe thiết giáp M113 tại ấp Phước Thành (nay thuộc Phường 11, TP. Vũng Tàu). Bị tiến công bất ngờ, toàn bộ quân địch cố thủ đầu cầu tháo chạy xuống Vũng Tàu. Chớp thời cơ, Tiểu đoàn 3 và các lực lượng trên hướng từ lộ ào ạt vượt sông Cỏ May, mở đường giải phóng TP.Vũng Tàu.

Ngày nay, cầu Cỏ May (đường Võ Nguyên Giáp, Phường 12) được xây dựng khang trang, là huyết mạch giao thương nối liền TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu. Nơi đây cũng trở thành địa chỉ đỏ về nguồn. Để ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ đã ngã xuống trong trận đánh cầu Cỏ May, năm 2007, Tượng đài liệt sĩ cầu Cỏ May được khánh thành. Công trình xây dựng tại khu đất rộng 1.500m2, có tượng đài cao hơn 11m, bia tưởng niệm, phòng truyền thống kết hợp phòng đón khách, có khuôn viên ghế đá cho khách ngồi nghỉ chân.

Nhiều đoàn khách thập phương, các cựu chiến binh Sư đoàn Sao Vàng, chính quyền địa phương, thanh niên, học sinh thường đến Tượng đài thắp nhang, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến khốc liệt này như một cách để ôn lại trang sử vẻ vang của dân tộc.

Trận đánh cầu Rạch Bà

10h30 ngày 29/4/1975, khi chốt phòng ngự Phước Thành bị tấn công, bọn địch trên tuyến phòng thủ cầu Cỏ May-cầu Cây Khế bắt đầu hoang mang, nhốn nháo, Tiểu đoàn 3 mở đợt phản kích quyết liệt, đội hình địch tan vỡ từng mảng, từ Cỏ May-Cây Khế rút về Vũng Tàu. Đại đội 62, tiểu đoàn 6 phục kích tại ấp Phước Thành bắn cháy 2 xe tăng và 1 xe bọc thép. Những chiếc còn lại điên cuồng xả đạn và thoát về Vũng Tàu. Hàng ngàn tên địch quăng súng trên đường chạy thoát thân. Xế trưa ngày 29/4/1975, Sư đoàn Sao Vàng tiến quân qua cầu Rạch Bà, họ tươi cười vẫy chào các chiến sỹ A32 đặc công thủy đang chốt giữ phía nam cầu.

brvt4_0548.jpg
Ảnh tư liệu

Từ đêm 28/4/1975, 20 chiến sỹ A.32, Thành đội Vũng Tàu đã từ Gò Găng vượt sông Dinh tiêu diệt trung đội lính thủy đánh bộ ngụy, chiếm giữ phía nam cầu Rạch Bà lúc 3 giờ sáng ngày 29/4. Họ đã gỡ khối thuốc nổ 125kg địch cài sẵn để phá cầu. A32 đã chiến đấu liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ, đánh lùi hàng chục đợt phản kích của địch, bảo vệ vững chắc trận địa, giữ cây cầu cho quân chủ lực tiến vào, 5 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong đợt phản kích của đám tàn quân ngụy từ Cỏ May-Cây Kế mở đường máu rút về Vũng Tàu. Họ là đại đội trường Đào Thanh Khang quê ở Nam Hà, Đặng Quốc Cường quê Nghệ An, Nguyễn Văn Xình, tiểu đội phó quê ở Kim Thi, Hải Dương, Lê Văn Toàn quê Thái Bình và chiến sỹ Bùi Văn Hải.

Trưa 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nhưng trận đánh ở khách sạn Palace vẫn diễn ra ác liệt, mãi tới lúc 13 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, địch mới chịu đầu hàng. Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải phng B Rịa - Vũng Tu: Giây phút cảm tử trên những cây cầu