Không còn bó hẹp ở các thành phố lớn, hàng giả – hàng nhái đang len lỏi vào tận vùng sâu vùng xa, lợi dụng cả thương mại điện tử để đánh lừa người tiêu dùng. Tại Hội nghị toàn quốc về chống hàng giả, gian lận thương mại vừa diễn ra, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh: Đây là vấn đề không còn của riêng ngành chức năng, mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
Vi phạm vẫn “nóng”, thủ đoạn ngày càng tinh vi
Hội nghị “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới” do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức tại TP. Đà Nẵng diễn ra trong bối cảnh hàng giả tràn lan, vi phạm thương mại len lỏi mọi ngõ ngách – từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý hơn 50.400 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 6.454 tỷ đồng, khởi tố gần 1.900 vụ với hơn 3.200 đối tượng. Đáng lo ngại, số vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu tăng vọt tới 79%, còn hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng tiếp tục diễn biến phức tạp.
Không chỉ dừng ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, hàng giả hiện đã tràn đến cả vùng nông thôn, khu vực hẻo lánh. Những sản phẩm bị làm giả ngày càng đa dạng, từ dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo, rượu bia đến linh kiện điện tử, vật tư nông nghiệp. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi khi đầu tư làm giả cả bao bì, tem chống hàng giả, giấy kiểm định… đánh lừa người tiêu dùng và cả cơ quan kiểm tra.
Sàn thương mại điện tử: “Mặt trận mới” của hàng giả
Một điểm nóng được chỉ rõ là không gian mạng. Các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử – vốn là xu hướng mua sắm mới của người dân – để tiêu thụ hàng giả với tốc độ, quy mô và mức độ phức tạp ngày càng lớn. Từ việc gắn mác “xách tay”, sử dụng KOLs, livestream quảng cáo… cho tới việc mở hàng loạt gian hàng “ảo” trên các sàn lớn, hành vi vi phạm không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn xói mòn lòng tin thị trường.
Đại diện các bộ ngành, địa phương tại hội nghị đều đồng tình rằng: Chống hàng giả trong bối cảnh mới đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện. Ngoài tăng cường kiểm soát khâu lưu thông, cần có sự chỉ đạo sát sao từ cấp cao nhất, nâng cao vai trò người đứng đầu, đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo 389 các cấp – đặc biệt ở địa phương, phường xã. Việc sửa đổi các văn bản pháp lý, nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi trách nhiệm từ chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng là những giải pháp không thể thiếu.
Một số ý kiến còn kiến nghị lập Quỹ chống hàng giả từ nguồn tiền xử phạt, nhằm chủ động hơn trong việc mua mẫu, giám định, điều tra. Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cần chịu trách nhiệm hậu kiểm, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm và hợp tác sâu hơn với cơ quan chức năng để xử lý triệt để.
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh, cuộc chiến chống hàng giả là cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía. Nếu không hành động quyết liệt và đồng bộ ngay từ bây giờ, thị trường sẽ bị méo mó, người tiêu dùng bị thiệt hại và doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ mất động lực cạnh tranh.