Sức khỏe

Tăng đột biến ca mắc liên cầu lợn tại Huế

Ngọc Minh 07/07/2025 - 16:11

Ngày 7/7, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị 30 trường hợp dương tính với liên cầu khuẩn Streptococcus Suis (liên cầu lợn). Chỉ tính riêng từ giữa tháng 6/2025 đến nay, số ca mắc tăng đột biến với 17 trường hợp được xác định, trong đó có ca bệnh nặng dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân tử vong là anh B.V.C. (50 tuổi, trú tại phường Thuận Hoá), được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế trưa 2/7 trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn và tử vong sau đó. Kết quả xét nghiệm ngày 4/7 xác định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptococcus Suis.

z67802897626_2ef49eccc6e7a266e9b7914b7fe422ba.jpg
Kiểm tra, theo dõi sức khỏe bệnh nhân mắc liên cầu lợn

Điều tra dịch tễ cho thấy, nhà bệnh nhân và các hộ xung quanh không nuôi lợn, trong vòng 2 tuần qua khu vực cũng không ghi nhận tình trạng lợn mắc bệnh. Những người tiếp xúc gần hiện chưa có biểu hiện liên quan.

Bác sỹ chuyên khoa II Hoàng Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, tình hình bệnh liên cầu lợn năm nay phức tạp hơn mọi năm. Đặc biệt, một số trường hợp không xác định được yếu tố dịch tễ, tức là không rõ có tiếp xúc với lợn sống hay sử dụng thực phẩm từ lợn chưa đảm bảo an toàn vệ sinh.

Các ca bệnh nặng vẫn còn nhạy với những loại kháng sinh thông thường như penicillin, ceftriaxone và vancomycin. Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng nguy hiểm, cần phát hiện và điều trị sớm để tránh biến chứng nghiêm trọng.

Hiện, tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế, một bệnh nhân nam 37 tuổi đang được điều trị trong tình trạng hôn mê chưa rõ nguyên nhân, tai biến mạch máu não, nghi ngờ ngộ độc chất gây nghiện kèm theo nhiễm trùng huyết do liên cầu lợn.

Hai bệnh nhân khác đang điều trị tích cực gồm ông T.K. (71 tuổi, phường Thuận An) – đã tỉnh táo, hết sốt nhưng bị di chứng giảm thính lực và ông Đ.D. (71 tuổi, phường Mỹ Thượng) có diễn tiến phức tạp hơn, vẫn sốt cao, thở mệt do viêm phổi nặng, tiên lượng xấu.

z6780221796050_7ed73816058611957a016a2c1e4b0e6a.jpg
Ngành y tế TP Huế phun dung dịch Cloramin B tại khu vực có ca mắc liên cầu lợn

Tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Huế, nhiều bệnh nhân đang được điều trị liên cầu khuẩn trong máu và dịch não tủy. Phần lớn bệnh nhân đã ổn định tình trạng tri giác, không có biểu hiện nặng thêm, tuy nhiên vẫn đang được theo dõi sát.

Các bệnh nhân nhập viện chủ yếu với triệu chứng: Sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội, đặc biệt vào ban đêm và sáng sớm, nôn mửa, đau tăng khi ho, một số nhìn mờ, sợ ánh sáng, co cứng gáy, có bệnh nhân rơi vào hôn mê và rối loạn tri giác, buộc phải chuyển sang điều trị tích cực.

Theo bác sĩ Phan Lê Quỳnh Thi (Khoa Bệnh Nhiệt đới), ngay khi nghi ngờ viêm màng não do liên cầu lợn, bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị bằng kháng sinh sớm theo kinh nghiệm lâm sàng, không chờ kết quả xét nghiệm máu. Việc này giúp giảm nguy cơ tử vong và di chứng nặng cho người bệnh.

Thời gian điều trị các ca bệnh thường kéo dài từ 14–21 ngày; riêng với viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân buộc phải điều trị liên tục trong 21 ngày.

Ngành Y tế TP Huế đã nhanh chóng tiến hành điều tra, xử lý các ca bệnh, đồng thời phát tờ rơi, tuyên truyền rộng rãi đến người dân về dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh và biện pháp xử lý khi nghi nhiễm liên cầu lợn.

Lực lượng y tế đã xử lý môi trường, phun tẩy uế bằng dung dịch Cloramin B 25% tại các nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh. Được biết, hiện trên địa bàn các phường của TP Huế không xảy ra dịch lợn tai xanh.

Hiện Sở Y tế TP Huế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Huế đã chỉ đạo các Trung tâm y tế, Trạm Y tế tuyên truyền trực tiếp cho người dân về các dấu hiệu bệnh liên cầu lợn, các biện pháp theo dõi, hướng điều trị và biện pháp phòng, chống bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo: không ăn tiết canh, thịt lợn tái hoặc chưa nấu chín kỹ; rửa tay sạch sẽ sau khi chế biến thực phẩm; đến cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi kéo dài.

Liên cầu lợn là bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Do đó, mỗi người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng bằng cách duy trì vệ sinh an toàn thực phẩm, thói quen ăn uống lành mạnh và cảnh giác với những biểu hiện bất thường về sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng đột biến ca mắc liên cầu lợn tại Huế