Sáng nay (30/12), Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 đã khai mạc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự hội nghị; cùng các vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và 63 địa phương trên cả nước.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hội nghị sẽ cùng thảo luận, phân tích những kết quả đạt được năm 2019 - năm bứt phá, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém; phân tích những cơ hội và khó khăn, thách thức trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo; từ đó đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để hoàn thành tốt hơn nữa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Theo Thủ tướng, năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 20. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23/12 là thặng dư, tỉ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP. Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD – những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được.
Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đến năm 2045, dân số Việt Nam sẽ hơn 108 triệu người, tăng thêm khoảng 12 triệu người trong vòng 25 năm tới, đồng thời tổng số lao động tăng thêm cần có việc làm là gần 11 triệu người. Trước mắt, năm 2020 chúng ta phải tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người; tính chung từ nay đến 2025 là gần 5,5 triệu người – tương đương dân số Singapore. Đây sẽ là một thách thức rất lớn mà Chính phủ, chính quyền địa phương phải giải quyết.
Tại Hội nghị, Thủ tướng mong muốn được nghe ý kiến của nhiều ngành, nhiều địa phương, trong đó tập trung đi thẳng vào những thành quả nổi bật và những vấn đề khó khăn, vướng mắc; những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp làm sao để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao được hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay; tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2020. Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành cần có giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà các địa phương nêu.
Tập trung thảo luận 9 nhóm vấn đề lớn
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2020, qua đó xác định những trọng tâm cho chỉ đạo điều hành như tại nội dung dự thảo các Nghị quyết cho năm 2020 sẽ được trình bày, trong đó tập trung vào 9 nhóm vấn đề lớn mang tính gợi mở.
Thứ nhất, làm sao để tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả kinh tế-xã hội đã đạt được trong năm 2019. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020.
Quang cảnh hội nghị
Thứ hai, tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật. Nhất là những chỉ số còn thấp như: Giải quyết phá sản (122/190 quốc gia); khởi sự kinh doanh (1/190 quốc gia); nộp thuế (109/190); thương mại qua biên giới (104/190); bảo vệ nhà đầu tư (97/190).
Thứ ba, khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược (về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực), thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp các ngành trong năm 2020; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, kiểm soát, chấm dứt được tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt”…
Thứ tư, chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, thúc đẩy nền kinh tế số. Hỗ trợ một số địa phương tìm kiếm động lực tăng trưởng mới như kinh tế ban đêm, phát triển đô thị theo quy hoạch,…
Thứ năm, quy mô kinh tế số của Việt Nam đã tăng 4 lần trong 5 năm qua và dự báo sẽ đạt 20% GDP trong 5 năm tới. Làm thế nào để tạo nền tảng cho kinh tế số phát triển tăng tốc trong năm 2020 và những năm tới.
Thứ sáu, cần có đột phá gì về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành ở Trung ương.
Thứ bảy, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo sự hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn cho người dân tốt hơn.
Thứ tám, tăng cường đầu tư cho tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước tương xứng với thách thức của thời kỳ mới như thế nào?
Thứ chín, đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ công chức.
Thủ tướng nhấn mạnh, dân tộc ta là con cháu Lạc Hồng, có khát vọng không ngừng vươn cao, bay xa và đề nghị Hội nghị cùng thảo luận trả lời câu hỏi lớn: Để đưa kinh tế-xã hội Việt Nam vươn cao, chúng ta cần những trụ cánh gì?