Bất động sản

Hàng loạt khách sạn tại phố cổ Hà Nội rao bán

Tuấn Dũng 01/07/2023 - 18:31

Thời gian gần đây, nhiều khách sạn ở khu vực phố cổ Hà Nội được rao bán với giá "đại hạ giá".

Đơn cử một khách sạn 4 sao  nằm trên đường Lương Ngọc Quyến có diện tích 355m2, được xây dựng 12 tầng, đang khai thác 68 phòng với nội thất cực sang trọng được rao bán với giá 400 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,14 tỷ đồng/m2.

Một khách sạn khác nằm trên phố Hàng Bông có diện tích 326m2 với 13 tầng, tổng 91 phòng đang rao bán với giá 480 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,48 tỷ đồng/m2.

Tọa lạc trên phố Mã Mây, một khách sạn 4 sao khác có diện tích 328m2, 10 tầng, mặt tiền 8m đang rao bán trên mạng với giá 520 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,59 tỷ đồng.

khach-san-pho-co-hn-rao-ban-2.jpeg
Ảnh minh họa.

Không hiếm gặp là các tin rao bán khách sạn tại Hà Nội giá cả tỷ đồng một mét vuông như vậy trên các trang tin rao bán bất động sản.

rao-ban.jpg
Nhiều khách sạn tại phố cổ Hà Nội lâm vào cảnh không có khách.

Anh Nguyễn Văn Công, quản lý một khách sạn tại khu vực phố cổ Hà Nội cho hay, hiện công suất phòng tại khách sạn của anh chỉ đạt 40 - 50%, cuối tuần khoảng 60% tổng số phòng.

Nguyên nhân là do lượng khách du lịch vẫn chưa hồi phục được so với thời điểm trước dịch. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn khiến du khách cũng thắt chặt chi tiêu, nên giảm nhu cầu đi du lịch.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, công suất cho thuê phòng khách sạn tăng nhưng vẫn còn kém xa so với thời điểm trước dịch. Nhóm khách sạn từ 3 sao trở lên, công suất thuê khách sạn đạt 49% trong quý IV/2022.

Cả năm 2022, công suất cho thuê toàn thị trường khách sạn Hà Nội đạt 39%, giá phòng trung bình chỉ 2,2 triệu đồng.

Còn theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, tính riêng tháng 5/2023, Thủ đô Hà Nội đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lượng khách trong tháng lại giảm 8% so với tháng trước, doanh thu ước đạt 7.260 tỉ đồng.

Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú với 70.218 phòng. Trong đó, 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao. Song công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước chỉ đạt khoảng 60%, dù đã tăng mạnh 32,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Có thể nhận định rằng các khách sạn đang rao bán, chuyển nhượng hầu hết đều thuộc sở hữu của các chủ đầu tư cá nhân, đây là những đối tượng đầu tiên rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn trong và sau dịch Covid-19 do du lịch bị hạn chế và gặp sức ép lãi vay. Thêm vào đó, phân khúc sản phẩm này cũng gặp cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng cao từ các nhà phát triển và điều hành chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.

Mặc dù phân khúc khách sạn vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, tuy nhiên đánh giá chung về triển vọng phát triển của ngành khách sạn ở Việt Nam hiện nay rất khả quan, do cơ sở hạ tầng tiếp tục cải thiện, chính sách thị thực ưu đãi cùng định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hng loạt khách sạn tại phố cổ H Nội rao bán