Chính trị

Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ chuyển đổi trí tuệ nhân tạo AI

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 07/05/2025 - 16:08

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do chuyển đổi công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo AI nhằm đảm bảo khả năng thích ứng và chuyển đổi việc làm.

vl1.jpeg
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Về chính sách của Nhà nước về việc làm (Điều 4), Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự thảo luật chưa cập nhật xu hướng mới là tác động của trí tuệ nhân tạo AI, Robot, tự động hóa chưa được phản ánh trong chính sách hỗ trợ lao động, nhóm lao động bị mất việc vì chuyển đổi công nghệ là một dạng lao động dễ tổn thương mới.

“Tôi kiến nghị sửa đổi theo hướng làm rõ hỗ trợ chuyển đổi nghề đào tạo lại cho người lao động bị ảnh hưởng bởi việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, bổ sung một khoản riêng là "có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do chuyển đổi công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo” nhằm đảm bảo khả năng thích ứng và chuyển đổi việc làm”- Đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.

Cũng theo đại biểu Thạch Phước Bình, về hỗ trợ người sử dụng lao động, đào tạo lại lao động (Điều 44), hiện điều luật chỉ tập trung vào lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ, thiên tai.

“Tuy nhiên hiện nay chuyển đổi số, AI, tự động hóa đang là những nguyên nhân hàng đầu gây ra thất nghiệp cơ cấu, tức là mất việc do kỹ năng không còn phù hợp, không phải do doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất, song điều luật chưa nhận diện cụ thể nhóm lao động bị ảnh hưởng bởi các yếu tố này, dẫn đến thiếu cơ chế hỗ trợ kịp thời”.

vl4.jpeg
Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Đại biểu kiến nghị bổ sung cơ quan quản lý nhà nước về việc làm có trách nhiệm cập nhật dữ liệu thị trường lao động tối thiểu mỗi quý, tổng hợp và công bố báo cáo tình hình lao động định kỳ 6 tháng 1 lần. Cơ sở dữ liệu thị trường lao động phải được kết nối đồng bộ và chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, thuế, bảo hiểm, giáo dục nghề nghiệp để tăng độ chính xác và tính thời gian thực.

Cùng quan điểm, Đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, trong bối cảnh thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng do chuyển đổi số, tự động hóa và tái cấu trúc ngành nghề. “Lực lượng lao động, đặc biệt là nhóm lao động trung niên, lao động giản đơn và người làm việc trong khu vực phi chính thức đang đối mặt với nguy cơ mất việc làm và tụt hậu kỹ năng”.

vl2.jpeg
Đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Đại biểu Lý Anh Thư cho rằng, chúng ta đã có những chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn việc làm, tham gia đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động thất nghiệp nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào trợ cấp thất nghiệp.

“Điều này mới đang giải quyết ở một phần ngọn, trong khi chưa có cơ chế khuyến khích như người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, tái định hướng nghề nghiệp hoặc nâng cao kỹ năng thường xuyên, liên tục để duy trì việc làm mà không phải mất việc làm khi mới học nghề”.

Điều này dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào bảo hiểm thất nghiệp mà không giải quyết được gốc rễ là việc thiếu kỹ năng nghề phù hợp với thị trường lao động, đặc biệt là các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin.

Đại biểu đề xuất: “Hỗ trợ người lao động tái đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động, thích ứng với nền công nghệ số, già hóa dân số, biến đổi khí hậu; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, triển khai trợ cấp, tái đào tạo trong thời gian người lao động học nghề; nâng cao kỹ năng nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động với nhiều lao động là người khuyết tật”.

Ngoài ra, bổ sung một điều khoản riêng về hỗ trợ tái đào tạo lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ chuyển đổi trí tuệ nhân tạo AI