Nhịp cầu Công lý

Hoàn Kiếm, Hà Nội: Khu đất vàng “dính” nghi án lừa đảo ra sao?

K.Lâm 07/05/20 - 12:04

Khu đất 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang được chính quyền địa phương tích cực triển khai thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Trong khi đó, các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất liên tục có đơn thư khiếu nại, đề nghị xem xét lại thủ tục triển khai dự án, quy hoạch... và sớm làm rõ nghi án lừa đảo liên quan đến khu đất này…

Dự án trường học “thế chỗ” dự án trụ sở cơ quan

Như Công lý đã thông tin, khu đất 1.417m2 tại 43F - 47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo được UBND TP Hà Nội cấp Giấy phép sử dụng đất (SDĐ) cho Cục Kho bạc Nhà nước (KBNN) từ tháng 5/1993. Đến năm 1995, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 2260/QĐ thu hồi 1.328m2 đất, trong đó có đất do 33 hộ gia đình đang sử dụng, giao KBNN xây dựng trụ sở (K92).

Các năm sau đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành tổng cộng 8 Quyết định nhằm “gia hạn hiệu lực của quyết định thu hồi đất”, đồng thời UBND quận Hoàn Kiếm cũng ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC).

z5414522535057_e932ce16a38925cb3bc93cab737a392f.jpg
Khu đất 43F - 47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo đang được yêu cầu bàn giao mặt bằng để xây trường học.

Dù vậy, nhiều hộ dân vẫn không đồng ý với việc thu hồi đất và cho rằng dự án có dấu hiệu khuất tất trong việc xác định diện tích, mốc giới và quy hoạch (vì ô đất được quy hoạch là “đất ở”- ký hiệu NO).

Năm 2006, UBND TP Hà Nội có Quyết định (QĐ) giải quyết khiếu nại, cho biết: Việc quy hoạch ô đất C43-NO không đúng với dự án KBNN đang triển khai là do Kiến trúc sư trưởng thành phố có “sai sót”. Sau đó, UBND TP Hà Nội có QĐ phê duyệt điều chỉnh cục bộ chức năng ô đất C43-NO, trong đó gồm khu đất C43.1-CQ (cơ quan - trụ sở kho bạc) và C43-NO.

Tại văn bản vào tháng 6/2012, UBND TP Hà Nội vẫn khẳng định việc tập trung thực hiện nhiệm vụ thu hồi đất, thực hiện dự án xây dựng trụ sở KBNN. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, cơ quan này lại có văn bản “giao Sở TN&MT hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm lập hồ sơ thu hồi đất tại 43F - 47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo do KBNN đang thực hiện GPMB, giao cho UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện GPMB để xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu”.

Đến cuối năm 2023, UBND quận Hoàn Kiếm chính thức ban hành các QĐ thu hồi đất đối với 13 hộ dân tại khu đất trên để thực hiện dự án xây dựng Trường Võ Thị Sáu và các QĐ phê duyệt phương án BTHTTĐC đối với các hộ.

Trước diễn biến trên, người dân cho rằng, đã có việc dự án “chồng” dự án vì cần phải có thủ tục “khai tử” dự án KBNN. Tuy nhiên, hiện chưa có QĐ dừng dự án cũ hoặc QĐ hủy QĐ giao đất cho KBNN năm 1995.

Lý giải điều này, tại văn bản gửi đến Báo Công lý, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận Hoàn Kiếm (BQLDAĐTXD) cho biết: QĐ giao đất số 2260/QĐ-UB ngày 13/7/1997 của UBND TP được gia hạn nhiều lần (mỗi QĐ có thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký), đến QĐ số 5211/QĐ-UBND ngày 8/11/2011 (gia hạn lần 8) là QĐ gia hạn lần cuối cùng. Do đó, các QĐ thu hồi đất và QĐ phê duyệt phương án BTHTTĐC để thực hiện dự án trụ sở KBNN đã hết thời hiệu thi hành và không còn giá trị về mặt pháp lý”.

Tuy nhiên, một số luật sư thì cho rằng, không thể nói QĐ thu hồi đất của UBND TP Hà Nội “đương nhiên” hết giá trị pháp lý bởi nội dung QĐ này nêu rõ thủ tục là: “… Giám đốc Sở Địa chính làm thủ tục trình UBND TP ra QĐ thu hồi quyền sử dụng đất”. Điều 26 Luật đất đai 1993 cũng quy định về nội dung trên.

Thay đổi quy hoạch, người dân ngỡ ngàng

Một hộ dân ở đây cho biết, “chúng tôi đều cảm thấy bất ngờ, bức xúc trước việc liên tục thay đổi quy hoạch sử dụng đất: Năm 2006, ô đất C43-NO đang được ký hiệu là NO (“đất ở”) thì được “tách” thành hai ô nhỏ hơn, và khu đất các hộ dân đang sinh sống bị cho là đất “cơ quan” (CQ). Trong khi vẫn chưa hết thắc mắc thì đến năm 2021, UBND TP Hà Nội lại ra QĐ số 1357/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1C, trong đó, ô đất góc phố Ngô Quyền- Trần Hưng Đạo (ký hiệu C6.11/TH1) được thay đổi chức năng là “đất trường học”. Đó là chưa kể việc thông báo thu hồi đất làm trường tiểu học có từ năm 2017 - tức là có trước quy hoạch tới 4 năm.

2(2).jpg
1(2).jpg

Trong một văn bản trả lời người dân vào tháng 2/2023, Ban QLDAĐTXD cho biết, Đồ án H1-1C đã được lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức theo quy định…

Bất ngờ với trả lời này, người dân cho biết, theo Luật Quy hoạch đô thị thì chúng tôi phải được lấy ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch nhưng cả hai lần thay đổi quy hoạch trên, chúng tôi không biết gì. Ban QLDAĐTXD cho biết đã lấy ý kiến cá nhân và cộng đồng dân cư, đề nghị trả lời cụ thể đã lấy ý kiến của ai, bằng cách nào.

Người dân cũng thắc mắc, không biết Đồ án quy hoạch H1-1C đã được lập, thẩm định ra sao mà có khá nhiều điểm mâu thuẫn. Đơn cử, điểm a.5, mục 4.2.2 quy định, “hệ thống trường học (trung học cở sở, tiểu học, mầm non) được xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang trên cơ sở hiện có và được bổ sung từ quỹ đất thuộc các danh mục các vị trí di dời chuyển đổi chức năng (theo QĐ 130/QĐ-TTg ngày 23/1/20 của Thủ tướng”. Tức đất xây dựng trường học được bổ sung từ “quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị” chứ không phải từ việc thu hồi đất ở của dân.

Bất thường nữa là việc, vào năm 2021 thì khu đất vẫn được thành phố xác định có biệt thự Nhóm 2 (chỉ phá dỡ trong trường hợp đặc biệt và khi cải tạo hoặc xây lại phải đảm bảo kiểu dáng, kiến trúc cũ) nhưng Đồ án quy hoạch H1-1C lại xác định ô đất là “đất trường học”. Không biết biệt thự cần bảo tồn đã “biến” đi đâu?

Theo tìm hiểu của PV, liên quan đến nhà biệt thự nêu trên, vào năm 2020, bà V.T.H (trú tại quận Hoàn Kiếm) đã có đơn tố cáo việc bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 534 tỷ đồng. Theo người tố cáo, năm 2018, bà Đ.T.T.H (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) đã khoe khoang và đưa ra nhiều tin nhắn, hình ảnh thể hiện mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo quận Hoàn Kiếm và cho biết có thể lo các thủ tục để mua được biệt thự 36 A Trần Hưng Đạo giúp bà V.T.H. Sau khi chuyển tiền cho bà Đ.T.T.H và một số người khác mà không thấy kết quả, bà V.T.H đã có đơn tố cáo đến cơ quan Công an. Năm 2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thụ lý giải quyết đơn tố cáo và tiến hành trưng cầu giám định giọng nói trong các file do bà V.T.H cung cấp.

Khi biết về vụ việc trên, người dân ở đây đã đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm trả lời rõ về việc chính quyền đã từng có chủ trương bán đấu giá biệt thự 36 A Trần Hưng Đạo như đơn bà V.T.H đề cập hay không.

Trả lời các hộ dân vào tháng 12/2023, Ban QLDAĐTXD cho hay, “các thông tin mua bán khu đất sẽ được các cơ quan chức năng điều tra, xác minh vụ việc đảm bảo tính minh bạch và pháp lý theo luật định”.

Tuy nhiên, hiện nay, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội vẫn chưa chính thức trả lời về việc nội dung tố giác của bà V.T.H trong vụ việc trên có dấu hiệu hình sự hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hon Kiếm, H Nội: Khu đất vng “dính” nghi án lừa đảo ra sao?