Sáng nay (/4) TAND TP. Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử 13 bị cáo về các tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả", “Sản xuất hàng giả”, “Buôn bán hàng giả”. Tuy nhiên, sau phần thủ tục khai mạc phiên tòa, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.
Vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả có 13 bị cáo với 58 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong đó 18 người có đơn xin xét xử vắng mặt. Tại phiên tòa sáng nay 9 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt, 31 người vắng mặt không có lý do.
Sau phần thủ tục khai mạc phiên tòa, HĐXX đã công bố 2 đơn xin hoãn phiên tòa của Luật sư bào chữa cho 2 trong số 13 bị cáo. Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, đồng thời ấn định lịch đưa vụ án ra xét xử vào ngày 12/5/2025.
Như Báo Công lý đã đưa tin, trong vụ án này bị cáo Nguyễn Trung Luật (SN 1981, trú trú quận 12, TP Hồ Chí Minh) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả".
Các bị cáo Phạm Ngọc Quang (SN 1977, trú quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh), Phan Xuân Năng (SN 1990, trú quận 12, TP. Hồ Chí Minh) và Trần Huy Cường (SN 1971, trú quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) cùng về tội “Sản xuất hàng giả”.
Các bị cáo Lê Hà Thanh (SN 2001, trú huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Phạm Thạch Kim Điền (SN 1985, trú quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh), Phạm Đức Hậu (SN 1973, trú quận 8, TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Tiến (SN 1994, trú quận 12, TP. Hồ Chí Minh), Phạm Tin (SN 1982, trú TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), Lê Duy Quang (SN 1982, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), Lê Minh Trí (SN 1988, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), Nguyễn Văn Ánh (SN 1980, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), Trần Ngọc Tấn (SN 1990, trú huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cùng về tội “Buôn bán hàng giả”.
Nguyễn Trung Luật được xác định là người cầm đầu đường dây với hành vi tổ chức sản xuất 1.648.737 cuốn sách giáo khoa giả thành phẩm cùng 347.220 bản in bán thành phẩm, chưa gia công hoàn thiện. Các đầu sách này đều giả mạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, có tổng giá trị tính theo giá in trên bìa lên tới hơn 51 tỷ đồng.
Để tiêu thụ số lượng sách khổng lồ trên, Luật đã ký kết nhiều giao dịch. Trong đó, Phạm Thạch Kim Điền (SN 1985, trú quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) là “khách hàng thân thiết” với 251 đơn hàng, tổng cộng 1.176.744 cuốn, trị giá gần 38 tỷ đồng (giá bìa), được bán với mức chiết khấu lên tới 69%. Phạm Tin (SN 1982, trú TP. Thủ Đức) cũng nhận 17 đơn hàng với 86.274 cuốn sách trị giá hơn 3 tỷ đồng.
Số sách chưa kịp tuồn ra thị trường bao gồm 385.719 cuốn thành phẩm và 347.220 bản bán thành phẩm đã bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ kịp thời.
Quá trình sản xuất sách giả được Luật điều phối chặt chẽ. Phạm Ngọc Quang (SN 1977, trú quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) đảm nhận khâu in ấn với mức thù lao 270.000 đồng/ram giấy in 4 màu và 160.000 đồng/ram giấy in 2 màu, khổ 60x84 cm.
Quang giao việc quản lý xưởng in cho Phan Xuân Năng (SN 1990) và được trả lương triệu đồng/tháng và được giao cả việc mua khoảng 600.000 tem sách giả, dán lên các sản phẩm. Trần Huy Cường (SN 1971) phụ trách sản xuất bản kẽm, nhận lương 8 triệu đồng/tháng.
Luật cũng thuê Lê Hà Thanh (SN 2001, trú huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lái xe Mercedes Sprinter vận chuyển sách, trông kho và xuất hàng với mức lương 9 triệu đồng. Việc giao nhận hàng được tổ chức như một doanh nghiệp hợp pháp.
Trong khâu tiêu thụ, Phạm Thạch Kim Điền lập “mạng lưới phân phối” riêng, thuê Phạm Đức Hậu (SN 1973, trú quận 8) quản lý việc nhận và giao hàng với lương 8 triệu đồng/tháng, và thuê Nguyễn Văn Tiến (SN 1994) chở sách đi khắp nơi bằng xe Mercedes Sprinter khác, trả cước 400.000 đồng/chuyến (dưới 10km) hoặc 20.000 đồng/km nếu xa hơn.
Từ đây, sách giả tiếp tục được phân phối đến các điểm bán lẻ. Lê Duy Quang (SN 1982, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) mua lại từ Điền 9 đơn hàng với tổng cộng 19.804 cuốn, giá bìa hơn 632 triệu đồng, sau chiết khấu còn 270 triệu đồng. Quang mới thanh toán hơn 210 triệu, còn nợ gần 60 triệu đồng. Quang thuê Lê Minh Trí (SN 1988) hỗ trợ kiểm đếm và vận chuyển sách giả, lương 7 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, Quang còn mua của Trần Ngọc Tấn (SN 1990, trú tỉnh Đồng Nai) 416 cuốn sách Tiếng Anh giả, trị giá bìa hơn 31 triệu đồng, giá thực trả hơn 9,5 triệu đồng, tuy nhiên vẫn chưa thanh toán. Các đầu sách này được Quang bán lại cho các nhà sách ở Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều tỉnh khác với mức chiết khấu 35 – 40%, thu lợi khoảng 10% mỗi cuốn.
Nguyễn Văn Ánh (SN 1980, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) cũng bị cáo buộc tiêu thụ 4.795 cuốn sách giả từ Điền, giá bìa hơn 302 triệu đồng, sau chiết khấu còn hơn 103 triệu đồng. Ánh mới thanh toán 50 triệu đồng, số còn lại vẫn nợ. Giống như các mắt xích khác, Ánh phân phối lại cho các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm với chiết khấu 50%, hưởng chênh lệch 10%.