Kinh tế

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam

Duy Tuấn 09/01/2025 - :39

Sáng ngày 9/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam".

Hiểu thế nào là "doanh nghiệp dân tộc"?

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

dt1.jpeg
Toàn cảnh toạ đàm.

Qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới "chưa được cụ thể hóa".

Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam" là tọa đàm đầu tiên về chủ đề này. Thứ trưởng mong muốn các đại biểu tập trung, thảo luận về khái niệm, mô hình doanh nghiệp; tiêu chí để xác định doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam cũng như chỉ ra được những đặc trưng, đặc điểm riêng có của doanh nghiệp dân tộc Việt Nam so với các doanh nghiệp dân tộc khác trên thế giới... Từ đó, đề xuất về cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc; đồng thời là nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp dân tộc đối với quốc gia.

dt3.jpeg
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AQuaOne

Về khái niệm doanh nghiệp dân tộc, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AQuaOne cho rằng: Doanh nghiệp dân tộc không phải là xem xét đến quy mô lớn hay nhỏ. Yếu tố then chốt là doanh nghiệp đó phải đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của mình.

Cùng quan điểm, ông Phạm Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho rằng, có nhiều doanh nghiệp thành lập chỉ đặt ra mục tiêu lợi nhuận. "Nhưng có những doanh nghiệp đặt lý tưởng, sự đồng hành dân tộc lên trên".

dt5.jpeg
Ông Phạm Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành

Theo ông Đức, doanh nghiệp dân tộc phải có lý tưởng đồng hành với dân tộc, đồng hành với chủ trương của dân tộc. Ví dụ như Tân Á Đại Thành, khi phát triển hệ thống máy móc, sự lựa chọn của một doanh nghiệp là hướng tới sự phát triển bền vững để giảm thiểu tác hại môi trường. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đánh đổi lợi ích của mình.

Tuy nhiên, theo ông Đức: Doanh nghiệp dân tộc có sự hy sinh, cống hiến cho dân tộc, nhưng họ cũng mong muốn sự hy sinh này sẽ được đền đáp như thế nào. Ví dụ như sự động viên, tôn vinh, tiếp tục động viên phát huy, có những chính sách khích lệ phù hợp.

Đề xuất cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc

Khẳng định tính đúng đắn của việc đưa ra các chính sách đặc thù ưu tiên cho doanh nghiệp dân tộc, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đề nghị, nghiên cứu các dư địa phát triển doanh nghiệp dân tộc. Như quy định về thủ tục thành lập; việc tiếp cận nguồn tài nguyên; quy định về thuế; chính sách về xuất nhập khẩu… Ông Dũng cũng lưu ý, nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề thông tin thị trường và xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp dân tộc trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, tranh chấp quốc tế.

dt4.jpeg
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật cho rằng không thể có một đạo luật riêng về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp dân tộc, "nhưng có thể đưa quy định về sự hỗ trợ vào tất cả các luật liên quan".

Cùng quan điểm, Chuyên gia Kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc như quy định về chế độ lãnh cho các doanh nghiệp; xác định những trọng điểm ưu tiên; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

dt2.jpeg
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh- Chuyên gia Kinh tế

Theo ông Thịnh, việc hỗ trợ không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, mà cần có biện pháp phù hợp để hỗ trợ cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Nếu ta không phát triển được vai trò của kinh tế tư nhân, khó có sự vươn mình"- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hon thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam