Chính trị

Hoàn thiện thể chế cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Duy Tuấn - Nguyên Thảo 27/10/2023 - 12:22

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng ngày 27/10, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Góp ý vào dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, các đại biểu cho rằng, đây là dự án luật đột phá và thiết thực, góp phần nâng cao bảo vệ an ninh trật tự quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh mới. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong giai đoạn hiện nay, lực lượng công an đã được tổ chức chính quy thành 4 cấp, từ cấp Bộ đến cấp xã để phòng ngừa và xử lý các vấn đề, bảo vệ an ninh trật tự ngay ở cấp cơ sở.

Đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của tình hình thực tế

Từ thực tiễn công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông khẳng định, dự án Luật trình và dự kiến thông qua tại Kỳ họp lần này đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi cấp bách của thực tiễn về bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, với thực trạng và tình hình đã và đang diễn biến phức tạp với nhiều loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở hiện nay.

271020230811-duong-khac-mai.jpeg
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu đề nghị, cân nhắc bổ sung quy định về quyền hạn đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. “Đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm điều luật quy định cụ thể về quyền hạn về việc bố trí, sắp xếp lực lượng, thành viên tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở ở mỗi tổ tại mỗi khu vực đô thị nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, khu vực có địa hình chia cắt, khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị để phù hợp với vị trí địa lý, quy mô dân số”, đại biểu Mai nói.

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban Công tác Mặt trận trong việc xây dựng Hương ước, Quy ước của thôn, tổ dân phố về nội dung đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.

Về việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phù hiệu, biển hiệu, huy hiệu, theo đại biểu, nếu giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định như khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật, thì một số địa phương khó đảm bảo ngân sách cho nhiệm vụ chi. Do vậy, cần thống nhất mức chi trong phạm vi cả nước.

Cân nhắc quy định độ tuổi đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT

Góp ý thêm về dự thảo Luật, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, dự thảo Luật cần nghiên cứu quy định về tuổi đời của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bởi hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý chỉ đề cập đến “việc đảm bảo sức khỏe”.

"Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xem như cánh tay nối dài, hỗ trợ cho lực lượng công an xã, công an phường xã, như đi tuần tra, canh gác ban đêm… Với tính chất công việc như vậy mà dự thảo Luật không có quy định cụ thể về độ tuổi là chưa hợp lý”, đại biểu Hoà nói.

Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, Điều 13 của dự thảo luật quy định, tiêu chuẩn tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, nhưng chưa đưa ra giới hạn tối đa tham gia lực lượng này. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, "quy định về độ tuổi tối đa", vì hiện nay nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ. Người lớn tuổi có thể thiếu nhanh nhẹn, khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh.

271020230920-nguyen-hai-anh.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Cũng liên quan đến Điều 13, theo đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tuy là lực lượng quần chúng được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân, nhưng căn cứ tính chất nhiệm vụ quy định trong dự thảo Luật thì là lực lượng có vai trò, tầm quan trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, có mối quan hệ mật thiết với công an và các lực lượng khác. Trong tình hình an ninh phức tạp, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở càng trở nên quan trọng. Nếu tổ chức tốt, lực lượng này có thể phát huy vai trò của mình trong nắm tình hình về an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, hỗ trợ đảm bảo trật tự xã hội, hỗ trợ tuần tra, bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường đấu tranh tội phạm, hỗ trợ chính quyền giữ gìn an ninh chính trị. Đại biểu Anh cho rằng, cần chú trọng đề cao tiêu chuẩn chất lượng với các cá nhân tham gia lực lượng.

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị đổi tên gọi của Điều 13 thành “Tiêu chuẩn và điều kiện tham gia Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở”.

Về tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, đại biểu cho rằng, những cá nhân được tuyển chọn tham gia lực lượng phải là những cá nhân có phẩm chất đạo đức tốt, công tâm, khách quan, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hon thiện thể chế cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở