Ngày /4, Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) tổ chức Hội thảo thúc đẩy kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, với 200 đại biểu tham dự.
Ông Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập Báo Tiền phong cho hay, năm 20 được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số lựa chọn chủ đề là năm: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững”. Do vậy, hội thảo lần này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế số, tạo ra diễn đàn trao đổi, chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt về phát triển kinh tế số ở khu vực.
Làm cầu nối giữa các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số với chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tại Hội thảo, ông Trần Kim Kha - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định đã chia sẻ một số vấn đề phát triển kinh tế số địa phương từ kinh nghiệm của tỉnh này.
Theo đó, mục tiêu cơ bản của kinh tế số Bình Định đến năm 2025 phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP; tối thiểu 50% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử; 50% các DN nhỏ và vừa (DN, HTX, hộ kinh doanh) thực hiện chuyển đổi số.
Địa phương cũng phấn đấu hình thành 100 doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, mục tiêu của tỉnh sẽ đạt tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.
Bình Định hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung trong năm 2022. Thu hút khoảng 2.000 chuyên gia, lao động làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ Long Vân.
Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các nước, các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tại Bình Định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 về chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số là cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đến nay, công tác chuyển đổi số của Bình Định có nhiều chuyển biến tích cực: Công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Có 2 tập đoàn lớn về công nghệ thông tin đang hoạt động tại đây, là TMA và FPT, với trên 1.000 nhân sự. Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 1.363 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 57 tỷ đồng…
“Hội thảo là hoạt động cần thiết và có ý nghĩa giúp các tỉnh trong khu vực có thêm ý kiến tham vấn từ các chuyên gia và nhà khoa học trong quá trình phát triển kinh tế số. Là cơ hội để các tỉnh, địa phương gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi những mô hình đã triển khai thành công; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế số phát triển với điểm đột phá là đẩy nhanh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số”, ông Giang cho hay.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cũng cho rằng, hội thảo lần này là cơ hội tốt để các tỉnh cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp, mô hình để đưa kinh tế số trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của địa phương, của vùng; cùng nhau hợp tác để tạo nên những thay đổi mang tính tích cực, thiết thực và bền vững.
Trách nhiệm chính của việc thúc đẩy kinh tế số tăng trưởng chính là ở các doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức. “Hy vọng hội thảo sẽ khởi nguồn cho nhiều hợp tác trong tương lai, là sự kết nối để làm sâu sắc hơn những quan hệ hợp tác đã có, từ đó đưa kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên khởi sắc”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.