Cuối giờ chiều nay 17/11, dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã diễn ra buổi họp báo cng bố kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội kha XIV.
Quốc hội thông qua 7 luật, 13 nghị quyết và tiến hành công tác nhân sự
Thông báo kết quả kỳ họp, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết:
Kỳ họp diễn ra trong thời gian 18 ngày và được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, đồng thuận cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp, kết quả như sau: Quốc hội đã thông qua 07 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 04 dự án luật;
Quốc hội cũng giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII (chất vấn và trả lời chất vấn); xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, nhân sự; thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xem xét các báo cáo kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và một số báo cáo quan trọng khác.
Sau khi xem xét các báo cáo kết quả thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại đã được nêu để thực hiện các mục tiêu đề ra…
Việc bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức, thứ tự ưu tiên theo quy định. Lưu ý bố trí vốn cho một số dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, phòng, chống sạt lở bờ sông…; xây dựng trụ sở các cơ quan tư pháp.
Quốc hội đã quyết định ngày chủ nhật, 23/05/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thảo luận Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, thẳng thắn, toàn diện, chất lượng, làm sâu sắc thêm nhiều nội dung và đề xuất các kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII.
Công tác nhân sự được Quốc hội tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục theo luật định và đạt được sự đồng thuận rất cao.
Theo đó, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Quốc hội đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Chánh án TANDTC đã rất thẳng thắn, không né tránh vấn đề
Theo ông Vũ Minh Tuấn cho hay, trên cơ sở xem xét các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành chất vấn về những vấn đề liên quan. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, chất lượng, hiệu quả với số lượt hỏi - đáp tăng lên đáng kể.
Các ĐBQH đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ tài liệu, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, bám sát vào nội dung chất vấn. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời thẳng thắn, súc tích với sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao, không né tránh, vòng vo. Việc tranh luận với các lập luận chặt chẽ, sắc sảo, có tính thuyết phục và xây dựng cao, cùng nhau trao đổi để đưa ra các định hướng, giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra.
Qua phiên chất vấn cho thấy, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, tạo chuyển biến thực sự trong các lĩnh vực đã được chất vấn, giám sát, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành hữu quan tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, nhất là có giải pháp khắc phục đối với những vấn đề chưa đạt yêu cầu.
Sau khi xem xét các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng chống tham nhũng năm 2020, Quốc hội cho rằng, công tác của ngành Toà án và Kiểm sát, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được những kết quả quan trọng;
Đồng thời, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cơ quan để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo quy định của Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội, góp phần quan trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của từng cơ quan; từ đó, kiến nghị nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực, khả thi nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các công tác này.
Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và các thành viên cũng đã trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh việc Quốc hội lấy ý kiến đại biểu về 2 dự án luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và một số vấn đề liên quan.