Văn hóa - Du lịch

Khai hội đền Xưa, dâng hương tưởng niệm Đại danh y Tuệ Tĩnh

PV 23/03/20 - 21:06

Ngày 23/3 (tức 14/2 Âm lịch), huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương tổ chức khai hội truyền thống đền Xưa và dâng hương tưởng niệm Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Tại lễ hội đã diễn ra các nghi lễ truyền thống đan xen nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi, giải thi đấu sôi nổi đặc sắc như: các trò chơi dân gian, hát quan họ dưới hồ tại khu di tích đền Xưa; giao lưu văn nghệ giữa Câu lạc bộ hát chèo, hát dân ca huyện Cẩm Giàng với các đội văn nghệ 3 thôn của xã Cẩm Vũ; triển lãm thư pháp; bắt mạch kê đơn, tư vấn sức khỏe nhân dân…

tue-tinh-1.jpg
Nghi lễ tại lễ hội.

Đại danh y Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh. (1330-1400) tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Năm lên 6 tuổi, ông mồ côi cha mẹ, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang (tức chùa Giám) đón về nuôi dạy và nương tựa chốn thiền môn quãng thời gian tuổi thơ.

Năm 1351, khi mới 22 tuổi, ông thi đỗ Hoàng giáp nhưng khước từ việc làm quan. Thời gian này, chứng kiến nhiều trận dịch lớn lấy đi sức khỏe, sinh mạng của nhiều dân nghèo, ông đã nghiên cứu dược liệu, thu thập phương thuốc quý trong dân gian, trồng cây dược liệu, lập y xá tại các ngôi chùa để chữa bệnh cho người dân.

tue-tinh-2.jpg
Lãnh đạo huyện Cẩm Giàng đánh trống khai hội.

Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh đã có công tham gia xây dựng ngôi chùa và biến các ngôi chùa thành cơ sở chữa bệnh cho người dân. Bên cạnh việc chữa bệnh cứu người, danh y Tuệ Tĩnh còn tạo tra phong trào trồng thuốc nam ngày càng phát triển và được nhân dân xưng tụng là vị Thánh thuốc nam. Từ đó, nhiều gia đình đã có thể tự trồng thuốc và chữa những bệnh đơn giản.

Năm 55 tuổi, danh y được cử tham gia đoàn đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Do có tài chữa bệnh cho Tống Vương Phi, trước tài năng của ông, vua Minh phong ông là Thái y - Thiền sư và giữ lại làm việc ở Viện Thái y. Thời gian sau, ông mất tại Giang Nam, Trung Quốc.

Cuộc đời, sự nghiệp hết lòng với nghề y của Thiền sư Tuệ Tĩnh đã để lại nhiều di sản quý, hàng nghìn phương thuốc, vị thuốc chữa bệnh có giá trị to lớn cho nền y dược dân tộc. Trong sự nghiệp của mình, ông đã tổng kết thành những phương pháp chữa bệnh gồm: 10 khoa, 2 môn, trên 3.800 phương thuốc, 580 vị thuốc chữa cho 184 bệnh. Những nhiên cứu, kinh nghiệm này đã được hậu thế học hỏi, phát huy.

den-bia-.jpg
Di tích đền Bia.

Tri ân những công lao to lớn của ông, tại huyện Cẩm Giàng, hậu thế đã lập đền thờ ông tại 3 nơi là đền Xưa, chùa Giám (chùa Nghiêm Quang), xã Định Sơn và đền Bia, xã Cẩm Văn.

Năm 2017, đền Xưa, đền Bia và chùa Giám đã được công nhận là cụm di tích quốc gia đặc biệt và đã trở thành trung tâm y, dược dân tộc nổi tiếng.

Ngày nay, cụm di tích luôn được đông đảo nhân dân, du khách cùng cán bộ công nhân viên ngành y về dâng hương, thăm quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai hội đền Xưa, dâng hương tưởng niệm Đại danh y Tuệ Tĩnh