Tin nhanh

Khai mạc Hội nghị G7, thảo luận loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

Hà Mai 19/05/2023 - 16:22

Hôm nay (19/5), Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nhóm G7 đã khai mạc tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Hội nghị sẽ kéo dài 3 ngày.

Hội nghị diễn ra từ ngày 19-21/5, quy tụ các nhà lãnh đạo từ 7 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản Fumio Kishida, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

khai-mac-g7.jpg
Lãnh đạo các nước Nhóm G7 và EU chụp ảnh kỷ niệm tại đài tưởng niệm ở Bảo tàng Hiroshima sáng 19/5. (Ảnh: AP)

Ngoài ra, tham dự còn có các lãnh đạo của các tổ chức lớn gồm Liên hợp quốc, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Đây là lần đầu tiên tất cả các nhà lãnh đạo G7, trong đó có 3 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp, cùng đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hiroshima, nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ thả bom nguyên tử xuống thành phố này vào ngày 6/8/1945.

Thủ tướng Kishida đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc các nhà lãnh đạo G7 chứng kiến tận mắt hậu quả do sử dụng bom nguyên tử.

Ông ấn định vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, coi đây là điểm khởi đầu cho tất cả nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Thủ tướng Kishida đã tuyên bố, thế giới đang chứng kiến những cuộc khủng hoảng lớn đang làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế. Chính vì vậy, mục tiêu của Hội nghị lần này là củng cố trật tự quốc tế dựa trên quy định của pháp luật, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của G7 trong việc bảo vệ trật tự này, đồng thời phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân, phản đối việc sử dụng vũ lực để làm thay đổi hiện trạng.

Các nhà lãnh đạo G7 dự kiến nêu bật sự cần thiết của việc đảm bảo hòa bình và ổn định liên quan vấn đề Đài Loan, đồng thời phản đối bất kỳ “nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc”.

Bên cạnh đó, trong một văn kiện riêng tập trung vào vấn đề Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 có thể sẽ cam kết thực hiện mọi biện pháp để mang lại hòa bình lâu dài cho quốc gia Đông Âu này.

Về kinh tế, các bên đang sắp xếp để các lãnh đạo thống nhất về việc loại bỏ các nhiên liệu hóa thạch hiện chưa có biện pháp giảm phát thải.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc thiết lập một khuôn khổ cho phép các thành viên G7 hợp tác để chống lại các hành động “ép buộc về kinh tế”.

Giới chức G7 cũng sẽ họp thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có vi phạm bản quyền và thông tin sai lệch. Các bên cũng cố gắng đề ra lập trường chung về các công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh, ví dụ như ChatGPT.

Một trọng tâm trong chương trình nghị sự là về hỗ trợ nông nghiệp cho các quốc gia đang phát triển và mới nổi được gọi chung là các nước Nam bán cầu. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại về khủng hoảng lương thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Hội nghị G7, thảo luận loại bỏ nhiên liệu ha thạch