Xã hội

Khai mạc Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ IV

Dương Vương 21/09/2023 - 14:43

Sáng 21/9, tại Khánh Hòa, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức khai mạc Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ IV.

Tham dự có ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cùng đại diện các Bộ, Ngành của Trung ương và địa phương.

khanh-hoa-1.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh, đề cao công tác dân vận; tăng cường giáo dục và tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, vận động quần chúng hòa giải ngay từ cơ sở nhằm giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn với phương châm: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử lại càng tốt hơn”. Tư tưởng đó của Người đã đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của công tác hòa giải ở cơ sở.

Thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hàng năm số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm. Với phương châm giải quyết “thấu tình, đạt lý”, hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật; là phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng “lấy dân làm gốc”.

Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội, mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước; góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

khanh-hoa-3.png
Tặng cờ lưu niệm đến 17 đội tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: “Tôi đề nghị Ban Giám khảo làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thật sự khách quan và công tâm khi đánh giá, chấm điểm các phần thi để chọn ra những đội thi xuất sắc nhất đại diện cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham dự vòng thi toàn quốc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội”.

Tham gia Hội thi có 17 đội đến từ các tỉnh, thành phố gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Thí sinh dự thi hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, đã đạt giải cao tại Hội thi hòa giải viên giỏi của các tỉnh, thành phố hoặc hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn đại diện cho địa phương.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chọn 1 đội thi gồm 3 thành viên chính thức, 1 thành viên dự bị. Các đội tham gia những phần thi gồm: Giới thiệu, lý thuyết, hòa giải, tiểu phẩm. Nội dung thi tập trung vào các kỹ năng của hòa giải viên, pháp luật về hòa giải ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013, quy định pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở.

Hội thi được tổ chức thành 2 vòng thi gồm khu vực và toàn quốc. Vòng thi khu vực được tổ chức theo 3 khu vực là miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam trong tháng 9/2023. Kết thúc vòng thi khu vực, các đội thi đoạt giải Nhất, Nhì, Ba sẽ tham dự vòng thi toàn quốc diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 11/2023.

Sau lễ khai mạc, diễn ra phần thi của nhóm 1 với 5 đội gồm: Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Trị.

Chiều nay (21/9), diễn ra phần thi của các đội Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Quảng Bình (nhóm 2) và đội Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum, Đà Nẵng (nhóm 3).

Sáng 22/9, các đội nhóm 4 gồm: Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Định thực hiện phần thi.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến ngày 31/12/2022, cả nước có 86.414 tổ hòa giải với 540.740 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước hòa giải trên 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành công trên 80%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Hội thi Ha giải viên giỏi ton quốc khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ IV