Mưa lớn sau bão số 3 khiến nhiều đoạn trên quốc lộ 7 ngập sâu, giao thông tê liệt, nhiều khu dân cư bị cô lập. Chính quyền địa phương nỗ lực ứng cứu hàng ngàn người dân trong điều kiện vô cùng khó khăn.
Sáng /7, tuyến quốc lộ 7 – trục giao thông huyết mạch nối các xã miền Tây Nghệ An – tiếp tục bị nước lũ nhấn chìm, đặc biệt có những đoạn bị ngập sâu từ 50cm đến gần 1m, nhiều đoạn nước chảy xiết, khiến giao thông gần như tê liệt hoàn toàn.
Trong sáng cùng ngày, phóng viên ghi nhận tại hiện trường có thêm ít nhất 4 điểm ngập mới, nước lên nhanh khiến các phương tiện xe máy, ô tô con buộc phải quay đầu. Nhiều người dân đành chọn đi đường vòng xa hàng chục cây số để đến được nơi làm việc hoặc tiếp tế hàng hóa thiết yếu.
Lực lượng công an, chính quyền địa phương và Công ty cổ phần 495 đã lập chốt cảnh báo, đặt biển cấm đường tại các điểm nguy hiểm, đồng thời túc trực xuyên đêm hướng dẫn người dân đi lại an toàn.
Tuy vậy, nhiều khu dân cư dọc tuyến quốc lộ vẫn chìm trong biển nước. Đặc biệt, tại khu vực dốc Bậm (xã Nhân Hòa), nước từ sông Lam dâng cao khiến cả khu dân cư bị cô lập, hàng chục hộ dân nước tràn vào tận trong nhà.
Trước đó, quốc lộ 7 từng bị chia cắt hoàn toàn do nước từ sông Lam và các khe suối lên nhanh. Dù trời đã ngớt mưa nhưng nước vẫn rút rất chậm, nhiều nơi vẫn ngập trắng như eo Vực Bồng, xã Con Cuông.
Chủ tịch UBND xã Nhân Hòa – ông Đặng Đình Lục cho biết, chính quyền và các lực lượng ứng cứu đã thức trắng đêm 23, rạng sáng /7 để sơ tán khẩn cấp khoảng 30 hộ dân ở thôn Đỉnh Hợp – nơi có địa hình đồi núi cao nhưng vẫn bị nước tràn vào bất ngờ.
“Họ chủ quan, nghĩ nước không thể lên đến đó. Nhưng khoảng nửa đêm 23/7, nước ập vào nhà. Chúng tôi phải điều thuyền máy, huy động cả hệ thống chính trị để đưa dân đến nơi an toàn”, ông Lục chia sẻ.
Cũng theo ông Lục, từ sáng sớm 23/7, thủy điện thượng nguồn xả nước điều tiết khiến mực nước sông Lam dâng nhanh. Đến tối cùng ngày, lũ đạt đỉnh, nhấn chìm hơn 1/3 trong số 22.000 hộ dân toàn xã. Nhiều căn nhà ngập tới nóc. Khoảng 7.000 hộ đã được sơ tán khẩn cấp.
Không riêng gì Nhân Hòa, nhiều địa bàn khác như các xã Tương Dương, Mường Xén cũng đang oằn mình khắc phục hậu quả sau lũ, trong điều kiện thiếu thốn lực lượng và máy móc.
Tại xã Tương Dương, Bí thư Đảng ủy xã – ông Lê Văn Lương cho biết, đến sáng /7 vẫn chưa có lực lượng cứu trợ từ bên ngoài tiếp cận được địa bàn. Đặc biệt, 437 người dân sống ở bên kia sông Lam đang bị cô lập hoàn toàn do 3 cây cầu dây bị lũ cuốn.
“Chúng tôi không thể liên lạc được với bà con. Trong khi đó, lương thực, thực phẩm trong xã đã gần cạn kiệt. Vệ sinh môi trường sau lũ cũng là vấn đề rất đáng lo, nếu chậm xử lý sẽ phát sinh dịch bệnh”, ông Lương nói.
Tại xã Mường Xén, tình hình không khả quan hơn. Lực lượng tại chỗ quá mỏng, máy móc gần như không có. Bí thư Đảng ủy xã – ông Nguyễn Viết Hùng cho biết: “Anh em kiệt sức vì phải làm việc xuyên suốt trong điều kiện thiếu thốn. Trong khi khối lượng công việc sau lũ quá lớn, chúng tôi rất cần được hỗ trợ gấp”.
Hiện các địa phương đang khẩn trương kiểm tra tình hình, triển khai các phương án khắc phục tạm thời, tuy nhiên công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn gặp rất nhiều khó khăn do địa hình chia cắt và phương tiện cứu hộ bị hạn chế. Người dân được khuyến cáo không tự ý qua các điểm ngập sâu, nhất là vào ban đêm.
Lũ dữ tràn về sau bão, hàng ngàn người dân ở Nghệ An đang trải qua những ngày đêm khốn đốn. Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, rất cần thêm lực lượng và phương tiện từ cấp trên để sớm giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.