Văn hóa- Thể thao

Khai quật khảo cổ di tích Quỳnh Văn

Trần Tú 29/04/2025 - 20:52

Ngày 29/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khai quật khảo cổ di tích Quỳnh Văn.

Cuộc khai quật địa điểm Quỳnh Văn được thực hiện từ ngày 18/3/2025 đến ngày 29/3/2025, do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Nghệ An và Đại học Quốc gia Úc, là hoạt động tiếp nối chuỗi nghiên cứu trong khuôn khổ dự án quốc tế “Thiên niên kỷ bị thiếu và nguồn gốc của Nông nghiệp ở Đông Nam Á”, được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Úc.

494891325_10057000067657364_3384307070047440582_n.jpg
Cuộc khai quật phát hiện nhiều tầng lớp vỏ sò ở di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn.

Kết quả khai quật năm 2025 nhằm bổ sung nguồn tư liệu khảo cổ học quan trọng cho nền văn hóa Quỳnh Văn, một nền văn hóa thời kỳ đá mới có niên đại từ khoảng 6.000 đến 4.000 năm cách ngày nay. Đoàn khai quật đã mở ba hố khai quật, sử dụng phương pháp tầng vị học để bóc tách các lớp trầm tích khảo cổ, phản ánh các hoạt động sinh sống của cư dân cổ.

Tại hố 1, khai quật sâu tới tầng sinh thổ ở độ sâu 3,2m, đoàn đã phát hiện nhiều dấu tích sinh hoạt như lỗ cột, bếp nguyên thủy và tàn tích thức ăn, cùng với di vật là công cụ đá, mảnh gốm và hàng trăm viên đá cháy.

493907095_10057000464323991_736875504765778_n.jpg
Một số di vật là công cụ đã được phát hiện ở di chỉ Quỳnh Văn. Ảnh: DH

Tại hố 2, tuy mới khai quật đến độ sâu hơn 2m, đã mang lại những phát hiện đặc biệt về mộ táng với 6 mộ và 8 di cốt, ghi nhận các hình thức mai táng ngồi co bó gối đặc trưng của văn hóa Đa Bút và các nền văn hóa đá mới trong khu vực. Một số huyệt mộ có hiện tượng cải táng, hoặc chôn nhiều thi thể chồng lên nhau, cho thấy các nghi lễ chôn cất phức tạp.

Đoàn khai quật cũng đã thu thập hơn 1.000 mẫu than, mẫu phytolith và mẫu đất để tiến hành nghiên cứu chi tiết và xác định niên đại tại Úc.

Kết quả khai quật không chỉ góp phần làm sáng tỏ quá trình thích nghi với môi trường tự nhiên của cư dân cổ Quỳnh Văn, mà còn mở ra triển vọng nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ giữa khu vực cư trú và khu vực mộ táng trong xã hội thời kỳ đá mới.

Trong thời gian tới, đoàn sẽ tiếp tục khai quật sâu hơn tại hố 2, hố 3 để phục vụ các mục tiêu nghiên cứu này, đồng thời bổ sung cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nghệ An.

4945987_10057000257657345_34389916550782786_n.jpg
Một số trang sức bằng vỏ nhuyễn thể. Ảnh: DH

Văn hóa Quỳnh Văn thuộc hậu kỳ thời đại đá mới, phân bố tại các vùng đồng bằng ven biển tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Di tích thường là những cồn sò điệp độ dày 5-6 m, cách biển 1-10 km, nằm trên đồng bằng hẹp, kẹp giữa dãy đồi núi thấp và Biển Đông. Nền văn hóa này được phát hiện lần đầu bởi các học giả Pháp vào năm 1930 tại khu vực Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu.

Qua nhiều đợt khảo sát và khai quật vào các năm 1963, 1976 và 1979, cơ quan chức năng xác định được 21 địa điểm liên quan, phần lớn tập trung tại huyện Quỳnh Lưu.

Các dấu tích cư trú bao gồm bếp, mộ táng, công cụ đá, đồ xương, mảnh gốm và nhiều vỏ nhuyễn thể cho thấy lối sống gắn liền với biển và hoạt động săn bắt, hái lượm của cư dân thời tiền sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai quật khảo cổ di tích Quỳnh Văn