Ngôi nhà sàn cổ hơn 100 năm tuổi tại xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đang là địa chỉ được nhiều các bạn trẻ, du khách nước ngoài tìm đến. Ngôi nhà sàn cổ này có kiến trúc độc đáo, lưu giữ nhiều giá trị bản sắc đồng bào dân tộc Tày
Nhà sàn cổ - điểm đến đầu tiên của Cao Bằng
Đến Cao Bằng hỏi về ngôi nhà sàn cổ xã Đức Xuân (Thạch An) không ai không biết. Ngôi nhà này được xây dựng công phu với nhiều gỗ quý từ hàng trăm năm trước của họ tộc ông Nông Hải Dương. Đến nay, đã có 5 thế hệ sống với nhau trong ngôi nhà sàn 9 gian ở thôn Tục Ngã. Ngôi nhà này đã hơn 100 năm tuổi và lưu giữ nét văn hóa độc đáo dân tộc Tày, hiếm nơi nào có được.
Ngôi nhà sàn được khởi công, xây dựng từ năm 1899-1903. Nhà được làm bằng gỗ quý, có chiều rộng 8,5m, chiều dài 23m, 3 gian và vách đều bằng gỗ. Đến năm 1934, ngôi nhà được gia cố và xây dựng thêm 6 gian liền kề, trở thành kiến trúc độc đáo 9 gian như hiện nay.
Giữa các gian trong nhà sàn không có vách ngăn, tạo không gian sinh hoạt rộng lớn trong nhà. Sàn trên vẫn là không gian sinh hoạt của gia đình, bên dưới là nơi để các nông cụ sản xuất.
Hồi ức về hàng trăm năm trước, nhiều cụ cao niên trong làng nay cũng đã ngót nghét 90 tuổi chỉ nhớ, hồi đó thôn Tục Ngã, Đức Xuân (Thạch An) là rừng rậm, bạt ngàn cây cối, nhiều thú dữ, chỉ có mấy nóc nhà thưa thớt. Bố ông Nông Hải Dương đến tuổi trưởng thành, lập gia đình xin cha mẹ làm ngôi nhà sàn mới kiên cố để tránh thú dữ, làm kho thóc, bảo đảm an toàn cho gia đình.
Nhà sàn tầng dưới khoảng trống để nông cụ sản xuất, chăn nuôi gia cầm, tầng 2 là không gian sinh hoạt gia đình. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên và cũng là phòng khách, phía sau là bếp. Hai bên là buồng riêng của bố mẹ và con. Phía trên cùng là gác xép nhỏ để thóc, ngô, đỗ, lạc…
Ông Dương kể: Năm 1934, thực dân Pháp siết chặt bộ máy đô hộ, bắt phu, áp bức dân làng sưu cao thuế nặng, nạn giặc dã, cướp bóc nổi lên. Sợ cảnh loạn lạc, ly tán, bố ông Dương mời 2 người anh trai về dựng thêm nhà với mình để nếu nhà ai có việc gì thì dễ dàng hợp sức bảo vệ nhau, an toàn hơn. 3 anh em thống nhất 2 ngôi nhà mới làm nối vào nhà cũ thông nhau, chứ không ngăn cách. 3 hộ vẫn chung như một nhà để quây quần, đoàn kết chung sống bên nhau.
Ngôi nhà bố ông Dương được 2 người anh làm thêm 6 gian với kiến trúc nhà gỗ, lợp ngói âm dương giống ngôi nhà ban đầu. Ngôi nhà trở thành kiến trúc độc đáo bởi hơn 100 cột gỗ dựng thành khung nhà, trong đó, có gần 40 cột chính cao 9m, cột cao nhất chạy thành 2 hàng. Mặt cắt ngang chia ngôi nhà làm nhiều ngăn, nhưng vì không ngăn lại nên tạo ra mặt cắt dọc nối nhau bởi những cột to, tạo nên không gian 3 chiều. Tổng diện tích 9 gian hơn 400m2.
Phía sau nhà là dãy núi cao, phía trước là cánh đồng rộng có suối chảy qua. Trước cửa nhà làm sàn để ngồi hóng mát mùa hè, phơi ngô, thóc…, mang đậm nét sinh hoạt văn hóa người Tày. Điều đặc biệt, 9 gian nhà gỗ khi quan sát kỹ, các cột gỗ nối khớp qua lỗ mộng với vì kèo, xà ngang. Tất cả được bào nhẵn, nối khít nhau không có khe hở nhỏ. Gỗ quý lâu năm nhẵn bóng, không bị mối, mọt ăn tróc.
Nếp nhà nơi cất giữ những giá trị văn hóa, lịch sử
Từ năm 1900 đến nay, ngôi nhà sàn 9 gian thôn Tục Ngã vẫn vững chãi qua 5 thế hệ (ông, bố, mẹ, con, cháu, chắt…) của gia tộc nhà ông Dương. Ngôi nhà không chỉ đặc biệt về độ bền vững vì làm bằng gỗ quý, công phu, tài hoa các thợ mộc xưa làm nhà, mà vững về gắn kết linh thiêng mỗi người trong gia tộc. Vào nhà sàn 9 gian rất rộng nhưng khách luôn thấy đầm ấm vì tiếng trẻ con nô đùa, người già cưng nựng, bồng bế con trẻ; bếp lửa bập bùng mùi thơm cơm mới.
Đến nay, 4 thế hệ/ người vẫn chung sống đoàn kết với nhau như trước đây, không thay đổi, gồm có: ông Nông Văn Táy (chú ruột ông Dương), ông Dương, con ông Dương và cháu ông Dương.
Nói về việc gắn kết 4 - 5 thế hệ trong gia tộc, ông Nông Văn Táy - thành viên sống lâu năm nhất trong ngôi nhà chia sẻ, sở dĩ ngôi nhà 9 gian/3 hộ, có 4 - 5 thế hệ chung sống được là luôn duy trì nền nếp gia tộc. Người đứng đầu gia tộc luôn là tấm gương mẫu mực trong cuộc sống, quan hệ họ tộc, quán triệt các thành viên duy trì thực hiện nếp sống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ, động viên nhau lúc khó khăn.
Việc quan trọng về làm ăn, quan hệ họ tộc, dạy bảo con cháu…, đều được thành viên bàn bạc, góp ý, bảo ban nhau thống nhất thực hiện. Vì thế, 5 thế hệ gia tộc sống chung mà chưa có lần nào xích mích nhau. Con cháu gia tộc ông Dương nhiều người trưởng thành, trở thành cán bộ tỉnh, ngành, huyện.
Đến nay, ông Dương là trưởng họ vẫn thường xuyên họp các gia đình giải quyết mọi việc trong gia tộc, động viên con cháu sống lành mạnh, yêu thương mọi người, thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sống tình làng nghĩa xóm, yêu thương, giúp đỡ bà con trong bản. 3 hộ đều là Gia đình văn hóa tiêu biểu, được dân bản yêu quý.
Hàng năm, cứ vào lễ tảo mộ 3/3 âm lịch, ông Dương đại diện cho 3 nhà lại mời hơn 100 người anh em họ tộc về tảo mộ tưởng nhớ tổ tiên. Ngày Tết mọi người trong gia tộc dù xa hay gần đều cố gắng để về nhà sàn 9 gian thờ cúng tổ tiên, sum họp gia đình, gặp mặt chúc phúc cho nhau để gửi gắm tình cảm, gắn kết yêu thương, bảo tồn sự linh thiêng của dòng tộc.
Nối tiếp dòng chảy văn hóa cho thế hệ mai sau
Đến nay, ngôi nhà sàn 9 gian ở Tục Ngã dù đã hơn 100 năm vẫn vững chãi và còn lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày. Không chỉ vậy, đây sẽ là điểm đến trải nghiệm cho du khách khám phá văn hóa, hiểu hơn về giá trị truyền thống, đoàn kết gia đình. Sự đơn sơ, bình dị, mộc mạc nhưng nó sẽ mãi là những điểm nhấn mà du khách sẽ khó có thể nào quên cho một gia đình có 5 thế hệ sinh sống hạnh phúc, đủ đầy.
Việc tổ chức công bố, khai trương điểm du lịch nhà sàn cổ 9 gian nhằm phát triển hơn nữa các loại hình tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nối tiếp dòng chảy thời gian trường tồn văn hóa dân tộc nói chung và dân tộc Tày nói riêng cho thế hệ mai sau.
Qua đó nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững để người dân chủ động, tích cực tham gia hoạt động du lịch, góp phần tăng thu nhập, cải thiện sinh kế của gia đình và địa phương.
Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí đầu tư; chỉ đạo hỗ trợ công tác chuyên môn và điều kiện khác để điểm du lịch mới tiếp tục hoàn thiện, ngày một phát triển.
Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân tích cực tham gia phục vụ các đoàn khách du lịch, góp phần tăng thu nhập, cải thiện sinh kế của gia đình và địa phương. Các đơn vị lữ hành xây dựng tour với sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Đồng thời lựa chọn điểm nhà sàn cổ 9 gian trở thành một trong những điểm đến đầu tiên khi đến với Cao Bằng, góp phần đưa câu chuyện văn hóa chảy mãi theo thời gian,....
Nhà sàn 9 gian gia tộc ông Nông Hải Dương, thôn Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An) được xây dựng từ năm 1900, đến nay, hơn 100 năm. Ngôi nhà là điểm đánh dấu trong bản đồ của Pháp khi thua trận trên đường quốc lộ 4, với trận đánh Đông Khê năm 1950. Ngôi nhà trở thành nét văn hóa độc đáo được du khách trong, ngoài tỉnh và người nước đến tham quan. Ngoài ngôi nhà sàn 9 gian của ông Dương, trong thôn còn có nhiều ngôi nhà sàn khác cũng được dựng từ lâu đời. Nếu được trùng tu, bảo tồn, đây sẽ là một di sản văn hóa độc đáo, đặc trưng của làng người Tày Cao Bằng.