Đời sống

Khi sợi rơm biến thành ‘sợi vàng’

Tiến Thắng 26/11/20 - 14:38

Những ngày sau vụ mùa, người dân Hải Dương không còn xa lạ với hình ảnh chiếc máy cuộn rơm phăng phăng khắp các mặt ruộng để thu gom rơm thành từng cuộn lớn, chuẩn bị cho quá trình biến những sợi rơm thành “sợi vàng”.

ttthugomrom-10.jpg
Những chiếc xe cuộn rơm phăng phăng trên những cánh đồng sau mỗi vụ thu hoạch không còn xa lạ với người dân.

Tình trạng đốt rơm rạ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch từng là vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương, vì không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, hiện nay phần nhiều rơm rạ đã được thu gom để tái sử dụng cho ra “tiền tươi thóc thật”.

Những "biệt đội" gom rơm

Sau vụ thu hoạch lúa mùa năm 20, tại cánh đồng nằm ven đường tỉnh 390D thuộc phường An Thượng, TP Hải Dương và các xã Hồng Phong, Minh Tân, huyện Nam Sách của tỉnh Hải Dương mấy năm gần đây cơ bản không còn cảnh khói bụi bay mù mịt từ việc đốt rơm, rạ như trước. Thay vào đó là hình ảnh chiếc máy cuộn rơm chạy phăng phăng trên mặt ruộng, thỉnh thoảng dừng lại nhả ra những cuộn rơm vàng óng.

ttthugomrom-9.jpg
Mỗi cuộn rơm có trọng lượng khoảng 20kg được cuộn tròn ngay ngắn trước khi được đưa đi tiêu thụ.

Từ xa, anh Nguyễn Ngọc Ngợi (trú tại xã Minh Tân, huyện Nam Sách) cùng mấy lao động chuyền tay nhau những bó rơm cuộn tròn ngay ngắn xếp lên thùng ô tô tải đỗ ven đường.

Khi rơm chất đầy, anh Ngợi lái xe thẳng tiến về thị xã Kinh Môn, Hải Dương để bán cho người trồng hành, tỏi và những người ở lại tiếp tục công việc cuộn rơm, chờ chuyến xe kế tiếp.

Từ đầu vụ thu hoạch lúa mùa đến nay, gần như ngày nào “biệt đội” thu gom rơm của anh Ngợi cũng làm việc từ sáng đến tối, họ ăn trưa ngay tại đồng ruộng.

ttthugomrom-7.jpg
Những "biệt đội" thu gom rơm tất bật xếp rơm lên xe tải chở đến những nơi có nhu cầu tiêu thụ.

Nói về việc bén duyên với nghề thu gom rơm, anh Ngợi cho biết thực hiện việc này từ năm 2021, khi đó nhìn thấy rơm rạ sau thu hoạch bị bà con đốt bỏ vừa lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường nên đã hô hào người thân thành lập đội đi thu gom rơm về bán kiếm lời.

Ngoài việc tìm hiểu nhu cầu thị trường, anh Ngợi đầu tư mua một đầu máy cuộn rơm với giá 80 triệu đồng và nhờ người tuyên truyền nông dân dừng việc đốt rơm, trả 2.000 đồng/cuộn nên nhiều bà con ủng hộ, không ít người cho không.

Theo anh Ngợi, lượng rơm thu gom được đến đâu là phục vụ cho nông dân ở trong và ngoài tỉnh gieo trồng rau màu, chăn nuôi trâu, bò cũng như trồng nấm ngay đến đó.

Nhu cầu sử dụng rơm lớn nên nhóm của anh Ngợi không chỉ thu gom tại Hải Dương, mà còn “mở rộng” sang cả các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh… với trung bình mỗi năm thu được khoảng 14.000-17.000 cuộn rơm, mỗi cuộn nặng khoảng 20kg (tương đương 280-340 tấn rơm).

ttthugomrom-6.jpg
Mỗi năm, hàng ngàn tấn rơm được thu gom giúp hạn chế tình trạng đốt bỏ gây ô nhiễm và lãng phí.

"Rơm thu gom được, chúng tôi tiếp tục vận chuyển khắp các tỉnh miền Bắc, vào tận Nghệ An để phục vụ người dân trồng rau màu, nuôi trâu, bò, trồng nấm. Nhu cầu về rơm trên thị trường hiện nay rất lớn. Ngoài nhóm của chúng tôi thì trong tỉnh hiện có nhiều nhóm khác cũng đi thu mua rơm" - anh Ngợi chia sẻ.

Tại những cánh đồng ở các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Bình Giang, TP Chí Linh... của Hải Dương, không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc máy cuộn rơm đang hoạt động hết công suất.

Tại cánh đồng xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, “biệt đội” gồm 6 người chuyên thu gom rơm của anh Nguyễn Tuấn Phan đang tất bật tối ngày để có thể cung cấp rơm cho Trang trại bò sữa Daily Farm Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Theo anh Phan, từ năm 2019, gia đình đã quyết định đầu tư 360 triệu đồng để mua máy cuộn rơm tự hành và một ô tô tải để đi gom rơm. Anh chủ động ký hợp đồng với những nông dân ở trong và ngoài tỉnh cấy lúa trên những cánh đồng mẫu lớn, với giá thu mua rơm từ 10.000-20.000 đồng/sào.

ttthugomrom.jpg
Một trang trại bò tại Hải Dương mua rơm về để phục vụ việc chăn nuôi.

Mỗi năm, nhóm của anh Phan gom được khoảng 20.000 cuộn rơm (tương đương 400 tấn). Ban đầu, anh chủ yếu mua rơm về phục vụ nông dân địa phương trồng màu, sau đó mới mở rộng phục vụ việc chăn nuôi gia súc, trồng nấm ăn.

"Làm hết công suất vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường, nên vụ này tôi quyết định hợp tác cùng với 3 nhóm khác ở Nam Định nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn", anh Phan cho hay.

Nhờ những “biệt đội” thu gom rơm mà tình trạng đốt rơm rạ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch lúa giảm đi trông thấy. Người và phương tiện qua lại trên các tuyến đường cũng bớt lo khói từ rơm rạ che khuất tầm nhìn, giảm nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Bà Phạm Thu Nhung (56 tuổi, trú tại xã An Thượng, ngoại thành TP Hải Dương) cho biết, trước kia bà con đốt rơm rạ khắp cánh đồng khiến không khí ngột ngạt, giờ rơm rạ được thu gom nên môi trường cũng trong lành hẳn.

Từ ngày làm nghề thu gom rơm, anh Phan và các cộng sự có thêm nguồn thu nhập đáng kể, hai lái xe cuộn rơm được trả công 1 triệu đồng/người/ngày, thợ bốc vác, vận chuyển thì thu nhập 500.000 đồng/người/ngày.

Ổn định cuộc sống nhờ... rơm

Tới thăm vùng chuyên canh rau màu tại bãi ngoài đê sông Thái Bình, thuộc huyện Cẩm Giàng và Nam Sách của Hải Dương, chúng tôi bắt gặp cảnh bà con nông dân hối hả gieo trồng cà rốt vụ đông. Khi giống vừa gieo xong, bà con liền phủ một lớp rơm lên mặt luống để bảo vệ.

Ông Đặng Đức Ngọc (trú tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng) cho biết, hàng năm bà con vùng này đều tận dụng hàng nghìn tấn rơm dư thừa để phục vụ sản xuất rau màu.

ttthugomrom-3.jpg
Rơm được tận dụng phục vụ việc trồng rau màu của bà con nông dân.
ttthugomrom-4.jpg
Rơm phủ giúp hạn chế cỏ dại và làm đất rau màu tơi xốp hơn.
ttthugomrom-5.jpg
Khả năng giữ ẩm của rơm khiến nguyên liệu này trở thành thứ không thể thiếu đối với người trồng rau màu vụ đông.

“Rơm có nhiều tác dụng từ giữ ẩm, bảo vệ hạt giống đến việc giúp đầu củ cà rốt giữ được màu đỏ, không bị xanh, mẫu mã củ đẹp, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Rơm hoai mục làm cho đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Nhờ có rơm mà bà con luôn duy trì sản xuất ổn định, vụ nào cũng thu lãi từ 5-6 triệu đồng/sào" – ông Ngọc cho hay.

Trên những cánh đồng thuộc huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn,... rơm là nguyên liệu không thể thiếu phục vụ cho việc trồng hành, tỏi. Mỗi sào đều cần từ 10-12 cuộn rơm và với diện tích khoảng 1.600 ha trồng cà rốt, 6.500 ha trồng hành, tỏi tại Hải Dương thì lượng rơm cần là rất lớn.

Theo dấu những chuyến xe tải chất đầy cuộn rơm, chúng tôi đến thăm nhiều trang trại nuôi trâu, bò lấy thịt, cơ sở trồng nấm ở Hải Dương. Đến đâu, cũng thấy giá trị kinh tế mà rơm đem lại.

Tại nhà kho của Công ty TNHH Sản xuất nấm Hải Dương ở xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, hàng trăm tấn rơm được xếp thành cuộn cao tới tận nóc. Mỗi tháng, công ty này thu được hàng tấn nấm từ việc sử dụng 20 tấn rơm.

ttthugomrom-2.jpg
Loại nấm được trồng bằng rơm được đánh giá thơm ngon, giúp tạo ra giá trị kinh tế lớn cho người trồng nên với không ít người dân, sợi rơm chính là "sợi vàng" giúp cuộc sống no đủ hơn.

"Nấm mỡ trồng bằng rơm rất thơm ngon, được thị trường ưa chuộng và được giá. Chúng tôi từng phải nhập rơm từ trong Quảng Ngãi ra để phục vụ sản xuất, nhưng từ ngày có các đội thu gom rơm ở trong tỉnh hoạt động thì nguồn nguyên liệu tại chỗ giúp giảm giá thành" - chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, quản lý Công ty TNHH Sản xuất nấm Hải Dương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thoan hồ hởi nói về công việc sản xuất nấm của công ty, khi rơm sinh ra nấm và nấm lại tạo ra công việc cùng khoản tiền lương từ 7,5 - 9 triệu đồng/người/tháng nên với nhiều người, sợi rơm chính là “sợi vàng” giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi sợi rơm biến thnh ‘sợi vng’