Học nghề để có công ăn việc làm ổn định từ sớm đang là lựa chọn của nhiều học sinh và gia đình. Đây là xu hướng tất yếu khi thị trường đang khát nguồn nhân lực có tay nghề cao.
Sáng /7, ông Nguyễn Hữu Hoàng (sinh năm 1972, thôn Mỹ Khê, xã Ba Đình, Thanh Hóa) cùng với con trai là Nguyễn Minh Hiếu (năm nay vào lớp 10) tới trường Trung cấp nghề Nga Sơn để nộp hồ sơ.
Có đam mê về máy móc, thiết bị điện tử từ sớm, Hiếu thường xuyên mày mò tháo lắp các thiết bị cũ, nhất là máy tính. Nhận thấy việc sửa chữa, kinh doanh lĩnh vực này còn nhiều dư địa để phát triển, nên thay vì học lớp 10, Hiếu và gia đình đã chuyển hướng chọn trường nghề.
Ngành nghề em đăng ký là nghề sửa chữa, lắp ráp máy tính. Sau 2 năm học, Hiếu sẽ có bằng nghề và bằng tốt nghiệp THPT (khi đậu tốt nghiệp). Đây là thời điểm vàng để Hiếu bắt đầu khởi nghiệp. Biết việc, chịu khó, em có thể đi làm cho các cửa hàng, đơn sửa chữa, buôn bán lớn để lấy kinh nghiệm. Khi đủ điều kiện, em có thể tự mở cửa hàng của chính mình.
“Trong thời đại công nghệ số, máy tính và mạng viễn thông sẽ luôn cần thiết. Bản thân em và gia đình xác định cần nắm bắt, lựa chọn nghề này từ sớm. Cơ hội việc làm trong môi trường nhà nước ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Bản thân có nghề trong tay sẽ không lo thiếu các đơn vị để làm việc.”
Bối cảnh hiện nay, thực trạng thiếu lao động có tay nghề đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Nền kinh tế đang chuyển mình từ sản xuất truyền thống sang các lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi lao động có kỹ năng chuyên môn cao hơn. Nhiều ngành nghề mới xuất hiện, trong khi đó lực lượng lao động hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu.
Các chương trình đào tạo nghề tại nhiều trường trung cấp nghề chưa được cập nhật thường xuyên để phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc sinh viên ra trường không đủ kỹ năng cần thiết.
Nhiều trường trung cấp nghề chưa có mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, khiến cho học viên không được thực hành hoặc thực tập trong môi trường thực tế, dẫn đến việc thiếu kinh nghiệm.
Không ít gia đình và người dân vẫn có định kiến rằng học nghề là lựa chọn cho những học sinh có thành tích học tập kém, trong khi thực tế, nghề nghiệp có tay nghề cao có thể mang lại thu nhập tốt và ổn định.
Trong khi dân số ngày càng tăng, nhiều người trẻ vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp với kỹ năng của mình. Điều này cũng góp phần vào tình trạng thiếu lao động có tay nghề.
Để cải thiện, cơ quan chức năng và các đơn vị phải cập nhật và điều chỉnh chương trình học để phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường trung cấp nghề và doanh nghiệp để tạo cơ hội thực tập và tuyển dụng cho sinh viên.
Tuyên truyền và nâng cao nhận thức về giá trị của lao động có tay nghề, từ đó khuyến khích học sinh lựa chọn học nghề. Nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các trường đào tạo nghề để sinh viên có thể thực hành và học hỏi hiệu quả hơn.
Việc giải quyết vấn đề thiếu lao động có tay nghề không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.
Hiện các trường trung cấp nghề đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Các trường trung cấp nghề cung cấp đào tạo cho những ngành nghề cụ thể, giúp sinh viên có kỹ năng thực hành cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
So với các chương trình đại học, thời học tại các trường trung cấp nghề thường ngắn hơn, giúp sinh viên nhanh chóng gia nhập thị trường lao động. Chương trình đào tạo thường tập trung vào kỹ năng thực hành, giúp sinh viên có khả năng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Nhiều trường trung cấp nghề có mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Các trường trung cấp nghề thường có chương trình đào tạo linh hoạt, cho phép sinh viên vừa học vừa làm hoặc học theo hình thức trực tuyến.
Các đơn vị đào tạo hiện nay cũng chú trọng đến việc trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, khuyến khích họ tự tạo việc làm. Ngoài việc đào tạo kỹ năng nghề, các trường còn chú trọng đến việc phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian. Một số trường trung cấp nghề đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp sinh viên có cơ hội làm việc trong môi trường toàn cầu.
Trao đổi với PV, ông Trương Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Nga Sơn cho biết: Theo kế hoạch vào ngày 28/7 sẽ kết thúc thu hồ sơ và ngày 11/8 các học viên sẽ bước vào năm học mới. Chỉ tiêu năm nay là 400 nhưng tới nay mới thu được 331 hồ sơ. Tổng số học viên nếu tuyển đủ sẽ hơn 1.000 em.
Tại trường đang đào tạo 8 mã (may mặc; kỹ thuật chế biến món ăn; nghiệp vụ nhà hàng; điện dân dụng và công nghiệp; hàn; vận hành sửa chữa thiết bị lạnh; thú y; kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính).
“Những năm qua, công tác tuyển sinh của trường được thuận lợi hơn, do việc phân làn từ sớm. Các gia đình và bản thân học sinh cũng nhận thức được cơ hội việc làm ngày nay phải qua đào tạo, có trình độ. Sau khi học tại trường, học viên vừa có bằng văn hóa, vừa có bằng nghề. Các đơn vị sẽ tới nơi liên hệ để bố trí vị trí việc làm phù hợp.
Thậm chí, một số ngành mà các nước đang cần, các em có thể đi xuất khẩu lao động với tiền lương rất cao. Trong quá trình học tại trường, học viên sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi, các cơ quan đoàn thể sẽ đồng hành cùng với gia đình và học viên hoàn thành xong khóa học. Nhiều trường hợp gặp biến cố, rủi ro thì trường kêu gọi, ủng hộ để không làm gián đoạn việc học.”
Được biết, mỗi năm Thanh Hóa có trên dưới 40 nghìn học sinh từ lớp 9 thi vào lớp 10 (năm 2025 là 43.578 học sinh). Theo phân làn, chỉ khoảng 70% thí sinh đậu vào các trường công lập và tư thục trên địa bàn. Số còn lại học nghề và các trung tâm. Trong thời buổi “có nghề, của lề lề cầm tay”, việc nâng tầm các trường và trung tâm tăng sự lựa chọn cho các em học sinh và phụ huynh. Qua đó giảm tải sự căng thẳng trong các kỳ thi vượt cấp.