Văn hóa - Du lịch

Khởi công trùng tu di tích Thái Miếu ở Huế

Ngọc Minh 30/10/20 - 16:54

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, vừa tổ chức khởi công trùng tu di tích Thái Miếu theo dự án "Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu giai đoạn 1", với kinh phí 52 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Di tích Thái Miếu nằm ở phía Đông Nam của Hoàng thành Huế, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1804, là nơi thờ 9 chúa Nguyễn. Công trình này đối xứng với Thế Miếu ở góc Tây Nam, là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn.

a881a55e3e11d74f8e00.jpg.jpg
Di tích Thái Miếu trước khi được trùng tu

Tổng thể của di tích Thái Miếu là một tổ hợp kiến trúc với hơn 10 hạng mục công trình được xây dựng trên khuôn viên hơn 14.900 m2. Trong đó, công trình chính Thái Tổ Miếu có kiến trúc gỗ được xây dựng theo lối nhà kép "trùng thiềm điệp ốc", và là công trình gỗ quy mô lớn nhất trong Hoàng thành Huế. Tiền điện có gian 2 chái, chính điện 13 gian 2 chái. Trong 5 miếu thờ ở Hoàng thành Huế, Thái Miếu là di tích được xây dựng sớm nhất và có quy mô lớn nhất.

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, di tích Thái Miếu đã bị phá hủy vào năm 1947. Năm 1972, bà Từ Cung (tức Đoan Huy Hoàng Thái hậu) cùng con cháu Nguyễn Phúc tộc đã quyên góp kinh phí và xây dựng lại công trình chính của Thái Miếu với quy mô nhỏ hơn ngay trên nền của công trình cũ.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, công trình này cũng bị xuống cấp, hoang tàn, gần sụp đổ. Nhiều công trình khác trong khuôn viên di tích này cũng vào cảnh tương tự, gần như không mấy du khách biết đến. Bài vị của các chúa Nguyễn cũng được đưa đến Triệu Miếu (nằm phía Bắc của Thái Miếu) để thờ cúng.

khoi-cong-trung-tu-di-tich-thai-mieu-o-dai-noi-hue-anh-1-1730203470775393501852.jpg
Công trình Thái Tổ Miếu được Nguyễn Phước tộc xây dựng trên nền gốc của công trình cũ sẽ được hạ giải và đánh giá, lưu giữ các cấu kiện gốc

Dự án "Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu giai đoạn 1" có kinh phí 52 tỷ đồng, phạm vi thực hiện chủ yếu tập trung đầu tư vào các công trình đang xuống cấp nặng có thể sập đổ bất cứ lúc nào và ưu tiên xoá bỏ không gian hoang phế trong khu vực tôn nghiêm của Thái Miếu.

Cụ thể, đối với công trình di tích Thái Tổ Miếu hiện hữu, sẽ hạ giải, phân loại đánh giá và bảo quản, lưu giữ hiện vật thuộc công trình. Công trình này có diện tích 1.917m2 (71m x 27m), sẽ hạ giải hệ thống lan can, tường móng mặt Nam. Di chuyển toàn bộ hệ thống cây xanh và vật liệu không đúng vị trí, sai quy cách ra khỏi khu vực nền Thái Tổ Miếu, trang trí ô hộc lát đá Thanh bó vỉa khu vực tiền điện. Đồng thời tu bổ, phục hồi các mặt tường móng xung quanh; gia cố toàn bộ hệ thống chân táng, cân chỉnh hệ thống chân táng; chống mối nền và đổ bê tông nền cho công trình.

Di tích Thái Miếu Môn (có diện tích 54m2), sẽ được gia cố nền móng, chống ẩm nền; cân chỉnh và tu bổ phần nền, bậc cấp bên trong và bên ngoài cổng. Bóc tách phần vữa bị mủn mục, tô trát phục hồi bằng vữa tam hợp, bả màu hoàn thiện. Phục hồi hệ mái, phục hồi các hoạ tiết trang trí; phục hồi hệ thống cửa bằng gỗ nhóm II, chống mối cho cấu kiện gỗ.

Dự án trong giai đoạn 1 này cũng sẽ bảo tồn, tu bổ, phục hồi hệ thống cổng và tường thành trong khu vực Thái Miếu bao gồm: Diên Hy Môn, Quang Hy Môn, Túc Tướng Môn, Hiển Thừa Môn. Bảo vệ vết tích nền với tổng diện tích 1.078 m2 của các công trình Tả Tùng Tự, Hữu Tùng Tự, Mục Tư Điện; Thổ Công Từ và Tuy Thành Các.

Đồng thời, tu bổ và phục hồi sân nền, đường dạo và lắp đặt hệ thống cấp điện, cấp thoát nước trong khu vực di tích Thái Miếu. Quy hoạch và bảo tồn các cây cổ thụ hiện hữu, tôn tạo cảnh quan và hệ thống cây xanh trong khu vực…

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, giai đoạn 1 của dự án sẽ được triển khai trong gần 4 năm, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2028.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi cng tr ng tu di tích Thái Miếu ở Huế