Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, nhiều địa phương ở tỉnh Nghệ An đã có những cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, vận động nhân dân để tạo sự đồng thuận và huy động sức dân tham gia vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Những con đường được hình thành từ ý Đảng - lòng dân
Anh Sơn là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, trải dọc theo đôi bờ sông Lam, Quốc lộ 7 và đường Hồ Chí Minh. Toàn huyện có 20 xã và 1 thị trấn, trong đó có 1 xã biên giới là xã Phúc Sơn, huyện có 7,2 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào.
Hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Anh Sơn đã lựa chọn tiêu chí làm đường giao thông nông thôn làm khâu đột phá. Nhờ làm tốt công tác dân vận, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều con đường đã được hình thành từ ý Đảng - lòng dân, từ sức mạnh đoàn kết, đồng lòng, từ sự tự nguyện của đông đảo bà con nhân dân.
Là huyện chủ yếu phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, ở đây đất được ví như “vàng”, là “cần câu” để người dân sinh sống, xóa nghèo và làm giàu. Thế nhưng, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, người dân Anh Sơn đã tích cực, tự nguyện tham gia với nhiều việc làm thiết thực như: Chặt cây, phá bỏ công trình, hiến đất, hiến vườn, hay hy sinh một phần đất hương hỏa bao đời của cha ông để làm đường giao thông. Phong trào hiến đất làm đường đã và đang lan tỏa rộng khắp trong từng nếp nhà, từng người dân Anh Sơn.
Chúng tôi về xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), cách đây 90 năm được chọn là nơi ươm mầm cách mạng cho cả xứ ủy Trung Kỳ. Được nuôi dưỡng cùng mạch nguồn cách mạng, xã Lĩnh Sơn hôm nay đã khoác lên mình “chiếc áo” mới rực rỡ, mạnh mẽ chuyển mình cùng quê hương, đất nước. Người dân Lĩnh Sơn cùng nhau nô nức xây dựng nông thôn mới.
Gia đình ông Trần Duy Hải (ở thôn 5, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn) đang tất bật xây lại tường rào vì trước đó đã phá dỡ để hiến đất mở rộng đường làng.
Không câu nệ, khách sáo, trải lòng mình rất tự nhiên, ông Hải đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử, trở về với Lĩnh Sơn cách đây chục năm về trước. Khi đó, đường sá chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp. Mùa nắng thì bụi, còn mùa mưa thì lầy lội, ra khỏi nhà là bì bõm đánh vật với nước và bùn… Trải qua biết bao khó khăn, vất vả nên khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, gia đình ông là một trong những hộ tiên phong đi đầu hiến đất, hiến vườn làm đường.
Ông Hải vui vẻ chia sẻ: “Tuyến đường này đã được đổ bê tông rồi nhưng do lâu năm đã xuống cấp, hơn nữa cũng chỉ rộng hơn 2m, xe cộ đi lại tránh nhau rất vất vả. Vì vậy, khi xã có chủ trương mở rộng lên 5m, gia đình tôi không một chút so đo hiến đất ngay”.
“Gia đình tôi đã tự nguyện hiến 60m2 đất và phá dỡ tường rào vừa mới xây vào cuối năm 2022 để mở rộng đường trục chính của thôn. Đường làng mở rộng không chỉ đời mình mà đời con cháu mình cũng được hưởng, hiến từng này chứ nhiều hơn nữa gia đình tôi cũng sẵn lòng”, ông Hải vui vẻ cho biết.
Từ việc làm của gia đình ông Hải, như một hiệu ứng tích cực, những hộ liền kề cũng tự nguyện, nhà thì hiến đất, nhà thì chặt cây để giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến đường.
Đến thôn 6, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), ghé thăm gia đình bà Nguyễn Thị Bỉnh- một tấm gương điển hình trong phong trào hiến đất, bỏ công sức, tiền của làm đường giao thông nông thôn.
Mặc dù năm nay đã 82 tuổi nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn, dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường mới được làm xong bà Bỉnh trải lòng: “Hai vợ chồng bà sinh được 11 người con, chồng bà mất sớm đến nay cũng được gần 30 năm, một mình bà vất vả nuôi các con ăn học và trưởng thành. Mặc dù tuổi đã cao, sức khoẻ yếu nhưng khi địa phương triển khai các phong trào thi đua bà đều đi đầu hưởng ứng, đặc biệt khi thấy con đường dân sinh đi qua cánh đồng vào lối gia đình mình nhỏ hẹp, mỗi mùa mưa lũ đến nước dâng ngập đường, làm lún sụt, lầy lội, khiến gia đình bà và người dân đi lại sản xuất vất vả, làm bà rất trăn trở”.
Bà Bỉnh cho biết thêm: “Vào đầu năm 2023, khi chính quyền xã vận động người dân cùng chung tay mở rộng tuyến đường, nhân cơ hội này, tôi đã vận động con cháu hiến một phần đất của gia đình và tự nguyện đóng góp được 0 triệu đồng để mua đá hộc về kè hai bên và mua vật liệu, thuê nhân công đổ bê tông tuyến đường có chiều dài 200m, rộng 6 mét, dày 18cm. Giờ đây tâm nguyện cuối đời của bà cuối cùng cũng đã được con cháu thực hiện, tôi mãn nguyện lắm rồi”.
Cùng nhau nô nức xây dựng nông thôn mới
Về xã Cao Sơn, một địa phương khó khăn ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) mới thấy được khí thế sôi nổi, rạo rực trong xây dựng NTM, đặc biệt là việc đi đầu đóng góp, hiến đất mở rộng, kiên cố các tuyến đường giao thông. Là một trong những hộ còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy sào chè, thế nhưng gia đình ông Phan Sỹ Đạo ở thôn 10, xã Cao Sơn vẫn tiên phong hiến đất, đầu tư tiền của để làm tuyến đường Nhân Tài đi Già Giang đoạn qua địa bàn thôn.
Ông Đạo chia sẻ: “Là người nông dân chân lấm tay bùn, hiểu rõ được giá trị của “tấc đất tấc vàng”, thế nhưng, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhận thấy nếu gia đình tôi không hy sinh một phần lợi ích của mình thì tuyến đường của thôn sẽ mãi không làm được. Hơn nữa, làm đường giao thông cũng chính là để phục vụ cho việc đi lại của người dân trong thôn, xã được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, gia đình tôi đã tự nguyện hiến gần 100m2 đất thổ cư, đồng thời tự bỏ số tiền 126 triệu đồng để đổ nhựa 320 mét đường. Biết là tiền của gia đình bỏ ra, đất đai gia đình mất đi nhưng được lại là đường làng khang trang, nên hết mấy tiền chúng tôi cũng đóng. Mất tiền mà sướng trong người lắm!”, Ông Phan Sỹ Đạo hào hứng nói.
Ông Mai Văn Hồ, Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) khẳng định: “Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở xã Cao Sơn, đã thực sự lan tỏa đến từng ngõ, từng nhà. Người dân dù còn khó khăn, vất vả nhưng sẵn sàng góp công, góp sức, hiến đất làm đường, từ đó mở ra cơ hội mới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Điển hình có ông Tô Văn Huệ (thôn 8) ủng hộ 132 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Lan (thôn 5) ủng hộ 95 triệu đồng; ông Đặng Xuân Quế (thôn 9) ủng hộ 81 triệu đồng; ông Phan Sỹ Đạo (thôn 10) ủng hộ 126 triệu đồng; ông Phạm Hồng Thụy (thôn 10) ủng hộ 75 triệu đồng. Ngoài ra, còn có ông Trần Đình Hà (thôn 9) hiến 500m2 đất; ông Lê Hữu Thơi (thôn 9) hiến 600m2 đất; gia đình ông Nguyễn Đăng Quý (thôn 10) hiến 200m2 đất…
Từ những điển hình trên, hệ thống đường giao thông ở xã Cao Sơn không ngừng được mở rộng, hoàn thiện, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa từ sự chung sức, chung lòng của người dân, người người phấn khởi, nhà nhà mừng vui. Diện mạo nông thôn ở Cao Sơn đang khởi sắc từng ngày.
Ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), không chỉ ở xã Lĩnh Sơn, Cao Sơn mà còn có nhiều hơn nữa những điển hình, những địa phương tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn mà chúng tôi không có dịp đi hết. Nhưng mục sở thị những con đường mới mở, những chiếc cổng, tường rào mới xây còn thơm nồng mùi vôi, đã phần nào hiểu được sự hi sinh, cống hiến của người dân nơi đây đối với phong trào xây dựng nông thôn mới, muôn người như một, đồng lòng thực hiện chủ trương chung, tạo nên sức mạnh vật chất và chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần, vì một nông thôn mới phát triển bền vững trong tương lai…
( Còn nữa…)