Phóng sự - Ghi chép

Kỳ bí 'báu vật' của bản làng

Gia Đức 16/08/20 - 08:53

Có tuổi đời hàng trăm năm, rừng lim cổ thụ trên địa bàn huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được xem như “báu vật” của làng. Với người dân còn rừng là còn người, chính vì vậy, rừng lim cổ thụ đã trở thành niềm tự hào và là khối tài sản vô giá của người dân.

2.jpg
Có tuổi đời hàng trăm năm, nhiều cây lim thân xù xì, mọc rêu xanh.

Rừng lim quý giữa đồng bằng

Di dọc tuyến đường Tân Thành – Bệnh viện Yên Thành đoạn qua các xã Lăng Thành, Hậu Thành…, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng ở những vạt rừng trồng xen kẽ keo, tràm là những thân cây cổ thụ cao lớn, tán lá xum xuê toả bóng mát cả một vùng đang vươn mình về phía trước để đón ánh nắng mặt trời. Đó chính là những cây lim quý hiếm mà người dân nơi đây xem như là báu vật.

6.jpg
Một gốc lim đang vươn mình bên ngôi miếu của làng.

Dừng chân lại ở bìa rừng hỏi thăm người dân địa phương về nguồn gốc của những cây lim này, không ai biết rõ những cây lim có từ khi nào, mọc tự nhiên, hay trồng lên. Họ chỉ biết rằng từ đời ông, cha mình, trên những mảnh đất khô cằn này, đã mọc lên những cây lim xanh tốt.

Theo số liệu từ chính quyền xã Lăng Thành huyện Yên Thành, rừng lim cổ thụ trên địa bàn xã có khoảng 300 năm nay. Rừng lim có tổng diện tích 106 ha trải dài từ xóm 1 đến xóm 8. Hiện nay, cả khu rừng lim có hàng nghìn gốc đang phát triển tươi tốt.

Những gốc lim cổ thụ có đường kính trung bình 70-80cm, cao vút lên trời xanh, xung quanh tỏa bóng mát lành. Có những gốc lim to vòng tay một người ôm không xuể, thân lộ lớp vỏ sần sùi với “nước da” đỏ sẫm đặc trưng của gỗ lim.

Rừng lim được địa phương quản lý theo chủ trương giao đất giao rừng cho nhân dân theo Nghị định 02 của Chính phủ và có hơn 100 hộ dân quản lý, bảo vệ. Chính vì thế đã tạo ra mô hình quản lý rừng cộng đồng, tất cả người dân đều rất có ý thức, coi đây như tài sản chung, nên từ nhiều năm nay đã không còn có bất cứ hiện tượng phá hoại hay chặt trộm lim quý.

Rừng lim ngoài giá trị về bảo tồn một loài gỗ quý còn là lịch sử, di tích văn hóa của cha ông truyền đời lại. Đây trở thành niềm tự hào và là khối tài sản vô giá của người dân xã Lăng Thành nói riêng, huyện Yên Thành nói chung.

Chính vì tầm qua trọng và giá trị lịch sử đó nên ngày 10/01/2014, tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 112/QĐ-UBND do ông Đinh Viết Hồng, PCT UBND tỉnh Nghệ An ký, về việc phê duyệt Quy hoạch rừng đặc dụng gắn liền với di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan huyện Yên Thành. Trong đó, rừng lim xã Lăng Thành cũng là một trong những diện tích được phê duyệt cần được bảo vệ đặc biệt và không được phép khai thác.

2(1).jpg
Nhiều thân cây cao hàng chục mét, tỏa bóng mát trong lành

Ông Nguyễn Văn Quý – ở xã Lăng Thành, cho biết: “Tôi vẫn thường nhắc nhở con cháu mình với câu nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt" với dụng ý là tuyệt đối không được xâm phạm mà phải bảo vệ bằng được rừng lim cổ thụ, bởi đó không chỉ là thắng cảnh, có giá trị về bảo tồn gỗ quý, mà còn là điều gì đó thiêng liêng mà cha ông đã để lại”.

Không có sử sách nào ghi lại sự tồn tại của rừng lim này, nhưng theo những người đi trước thì rừng lim phải có tuổi đời mấy trăm năm. Địa phương rất may mắn khi có được rừng lim quý hiếm này. Chính quyền địa phương và người dân vẫn đang tích bảo vệ và chăm sóc rừng lim quý hiếm này".

Ông Nguyễn Hồ Sơn – Chủ tịch UBND xã Lăng Thành

Báu vật cần được bảo tồn

Giống như xã Lăng Thành, khu rừng lim xanh gần 20 ha thuộc xã Hậu Thành, huyện Yên Thành đang được người dân tích cực trông coi và bảo vệ cẩn thận. Được ví như “lá phổi xanh”, rừng lim trên núi Tháp Lĩnh giúp không khí nơi đây trở nên trong lành và mát mẻ hơn. Chính vì lẽ đó, việc bảo vệ rừng lim cổ thụ càng được người dân coi trọng hơn bao giờ hết.

Đi sâu vào trong rừng, những cây lim “khủng” xanh tốt sừng sững hiện ra trước mắt, khiến người chứng kiến không khỏi trầm trồ lẫn choáng ngợp, bởi không phải ở đâu xa, hay ở những khu rừng già, mà ngay ở “quê lúa”, vựa lúa lớn nhất nhì của tỉnh Nghệ An, đang tồn tại những khu rừng lim xanh tốt với những thân cao vạm vỡ.

Xa xa trên các triền đồi, những “cụ” lim vươn mình hướng sáng, cao tới hàng chục mét. Hàng chục cây lim có tuổi đời cả trăm năm, hiện đã có đường kính từ 1 đến 1,5m. Những cây còn lại cũng thuộc hàng cổ thụ, phần gốc từ 1 đến 2 người ôm.

1.jpg
Rừng lim cao vút được người dân trông coi gìn giữ mỗi ngày.

Màu xanh thẫm của từng thảm lá, những cành cây vững chãi vươn rộng đang cho thấy sự trường tồn của từng “lão mộc”. Chứng kiến nhiều cây lim cổ thụ, thân, cành bám nhiều rêu mốc, tán cây rộng khắp một vùng làm cho khu rừng trở nên uy nghi, hùng vĩ hơn.

Nhằm mục đích bảo vệ và bảo tồn nguồn gen tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của rừng, bảo vệ các di sản văn hóa, hàng nghìn cây lim cổ thụ và hàng trăm loại cây quý hiếm trong núi Tháp Lĩnh với tổng diện tích 13,7 ha, được quy hoạch vào rừng đặc dụng (loại rừng để bảo tồn thiên nhiên).

“Hiện nay công tác chăm sóc, bảo vệ khu rừng lim xanh được chính quyền và các đoàn thể hết sức quan tâm. Rừng lim là tài sản vô giá, nên người dân đang ra sức bảo vệ, tránh sự xâm hại, phá hoại từ bên ngoài” – Lãnh đạo xã Hậu Thành cho hay.

3.jpg

Trên địa bàn huyện Yên Thành chỉ có hai xã Lăng Thành và Hậu Thành còn tồn tại rừng lim. Sử sách cụ thể để ghi lại về những rừng lim này đều chưa rõ ràng. Hiện Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ và hai địa phương tiến hành kiểm kê số lượng cây, diện tích, khoảnh, vùng để công tác bảo tồn, quản lý được tốt hơn”.

Ông Nguyễn Viết Khánh – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Yên Thành

Rời khu rừng xanh mát, âm thanh của tiếng chim líu lo, sự trong lành của một vùng rừng cổ thụ... như vẫn còn đọng mãi. Khu rừng không chỉ là nơi bảo vệ nguồn gen quý hiếm, mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ bí 'báu vật' của bản lng