Phóng sự - Ghi chép

Nơi những phận đời lỡ nhịp học cách đứng lên

Quang Thạnh 06/07/2025 07:00

Trại giam Bình Điền (trực thuộc Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng – Bộ Công an) từ lâu không chỉ là nơi giam giữ phạm nhân, mà còn là môi trường cải tạo, giáo dục và dạy nghề, thắp lên khát vọng hoàn lương cho hàng ngàn lượt người lầm lỗi.

Nơi đây đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi những con người từng trượt ngã được cảm hóa, học nghề, rèn luyện kỹ năng và nuôi dưỡng ước mơ tái hòa nhập cộng đồng, sống có ích, tự tin bước tiếp con đường lương thiện.

noi-nhung-cuoc-doi-lo-nhip-3-trai-binh-dien.jpg
Đào tạo nghề may cho các phạm nhân nữ tại Trại giam Bình Điền.

Tạo cơ hội làm lại cuộc đời

Theo Thượng tá Nguyễn Đình Kháng, Giám thị Trại giam Bình Điền, công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu. Trại đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chú trọng nắm bắt tư tưởng, tâm lý phạm nhân, tổ chức phân loại, giam giữ đúng quy định, đồng thời đẩy mạnh công tác lao động, hướng nghiệp và dạy nghề.

"Chúng tôi luôn xác định, mỗi phạm nhân không chỉ là đối tượng phải thi hành án, mà còn là một con người đang cần được giúp đỡ để làm lại cuộc đời", Thượng tá Kháng chia sẻ.

Câu chuyện của phạm nhân Ngô Hà Tr. (SN 1986, trú tại TP Huế) là một điển hình cụ thể. Từng là một sinh viên đại học tại Trung Quốc, sau khi tốt nghiệp, Tr. trở về nước lập gia đình, mở trung tâm Anh ngữ, kinh doanh bất động sản...

Do vướng vào vòng xoáy vỡ nợ khi đầu tư đất đai trong giai đoạn sốt nóng rồi bất ngờ “đóng băng”, không thể bán đất để trả nợ, Tr. đã không giữ được lời hứa thanh toán đúng hạn cho các chủ nợ. Họ sau đó đã gửi đơn tố cáo Tr. đến cơ quan Công an. Kết quả, Tr. bị tuyên án 12 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Những ngày đầu bước chân vào trại giam, Tr. luôn cảm thấy cánh cửa cuộc đời mình đã khép lại. Nỗi nhớ gia đình, nhớ vợ và hai con nhỏ khiến Tr. rơi vào khủng hoảng tinh thần, lúc nào cũng chìm trong tuyệt vọng.

Thế nhưng, một lần lâm bệnh nặng đã trở thành bước ngoặt trong suy nghĩ của anh. Khi ấy, Tr. được các cán bộ quản giáo tận tình chăm sóc, từ bát cháo nóng đến những lời động viên đầy nhân ái. Chính sự quan tâm ấy đã dần kéo Tr. ra khỏi hố sâu bế tắc. Anh bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn, tự nhủ phải phấn đấu cải tạo thật tốt, mong sớm có ngày trở về đoàn tụ bên vợ và hai con thơ đang chờ đợi.

noi-nhung-cuoc-doi-lo-nhip-4-trai-binh-dien.jpg
Những cuộc trò chuyện cởi mở giữa cán bộ quản giáo và phạm nhận đang chấp hành án tại Phân trại số 2.

Cảm hóa bằng trái tim người lính

Đại úy Lê Duy Hải, cán bộ quản giáo Phân trại số 3, chia sẻ: “Mỗi phạm nhân là một câu chuyện đời khác nhau. Muốn giáo dục hiệu quả, phải hiểu từng người, từng hoàn cảnh để có cách tiếp cận phù hợp. Dùng lý lẽ để phân tích, lấy tình cảm để cảm hóa, từ đó giúp họ thay đổi nhận thức”.

Với sự tận tâm trong công việc, Đại úy Hải được nhiều phạm nhân sau khi mãn hạn tù vẫn liên hệ hỏi thăm, gửi thư cảm ơn. Anh nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, đoạt giải cao trong các hội thi nghiệp vụ và là tấm gương điển hình trong công tác cảm hóa phạm nhân.

Không chỉ có cán bộ nam, nhiều cán bộ quản giáo nữ cũng là chỗ dựa tinh thần cho hàng trăm phạm nhân nữ đang cải tạo tại trại. Tiêu biểu như Đại úy Nguyễn Thị Luyến – một cán bộ dày dạn kinh nghiệm, hiện công tác tại Phân trại số 2.

“Mỗi phạm nhân nữ vào trại, tôi đều tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt diễn biến tâm lý để có cách tiếp cận phù hợp. Người nào có bệnh, khó khăn thì được gặp gỡ động viên, hỗ trợ điều trị; người nào có biểu hiện tiêu cực thì phải đồng hành, định hướng tư tưởng…”, chị Luyến cho biết.

noi-nhung-cuoc-doi-lo-nhip-2-trai-binh-dien.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Quốc Đoàn làm việc tại Trại giam Bình Điền.

Từ bóng tối bước ra ánh sáng

Nhắc đến phạm nhân L.T.T (sinh năm 1974, quê Quảng Trị), chị Luyến không giấu nổi sự xúc động. T. bị kết án vì liên quan đến ma túy và mang trong mình căn bệnh HIV lây từ chồng. Những ngày đầu mới vào trại, T. gần như chìm trong buồn chán và tuyệt vọng.

Thế nhưng, nhờ sự quan tâm, động viên của các cán bộ quản giáo, cùng với quá trình được chăm sóc, điều trị bằng thuốc ARV, T. dần thay đổi. Chị bắt đầu tham gia lao động, học nghề may và làm đẹp, tìm lại niềm tin vào cuộc sống.

Sau khi mãn hạn tù, T. đã có một công việc ổn định, tự mình nuôi con ăn học nên người. Thỉnh thoảng, chị vẫn gọi điện về trại, gửi lời hỏi thăm và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến những cán bộ đã nâng đỡ chị trong quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời.

Không chỉ riêng Đại úy Luyến, tập thể cán bộ Phân trại số 2 cũng được đánh giá là điển hình tiên tiến, sáng tạo và trách nhiệm. Trong bối cảnh phạm nhân nữ ngày càng tăng, có nhiều trường hợp thụ lý mứ án cao, bệnh tật hiểm nghèo, rối loạn tâm lý… nhưng đơn vị vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.

Theo báo cáo, nhiều năm qua, các phân trại của Trại giam Bình Điền không để xảy ra các sự cố nghiêm trọng. Đây là kết quả của sự chủ động, bản lĩnh và tận tâm của toàn bộ đội ngũ cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Trong dịp làm việc tại Trại giam Bình Điền, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2025 Nguyễn Quốc Đoàn đã từng nhấn mạnh: “Quá trình cải tạo phạm nhân không chỉ là quản lý và giam giữ, mà cần có định hướng đúng đắn về nhân cách, kỹ năng nghề nghiệp. Phạm nhân sau khi chấp hành án hoặc đặc xá ra trại cần trở thành "sản phẩm hoàn chỉnh", sẵn sàng tái hòa nhập xã hội”.

Ông cũng đề nghị các trại giam tăng cường kết nối với doanh nghiệp, địa phương để tạo cơ hội việc làm cho người hoàn lương – điều kiện then chốt giúp họ không tái phạm, đóng góp tích cực cho cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi những phận đời lỡ nhịp học cách đứng lên