Phóng sự - Ghi chép

Kỳ bí núi Lầu ChuôngBài 1: Ngôi chùa độc lạ, thần bí!

Thái Đoàn 16/09/20 - 21:

Liên Tôn cổ tự tại đảo Hòn Nghệ (Kiên Lương, Kiên Giang) nằm trên lưng chùng núi Lầu Chuông, là ngôi chùa có nhiều giai thoại về những điện thờ ẩn mình trong hang động thần bí với vẻ đẹp thiên nhiên mê hoặc lòng người. Mỗi điện thờ đều có những câu chuyện tâm linh huyền bí.

"Hạ Long" của Kiên Giang

Trung tuần tháng 9, chúng tôi lên một con tàu tại bến tàu Ba Hòn (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) để đến với đảo Hòn Nghệ (còn có tên gọi khác là Hoàng Long đảo hay Hòn Ngự) huyện Kiên Lương.

1(2).jpg
Tàu chuẩn bị rời bến

Suốt gần hai giờ di chuyển giữa mênh mông biển nước, trong ngày thời tiết xấu với những rung lắc mạnh, đi qua vùng eo biển Vịnh Hà Tiên, chúng tôi được chứng kiến hàng chục hòn đảo lớn nhỏ. Nơi đây được ví là một “Hạ Long” tại Kiên Giang.

2(2).jpg
Vịnh Hà Tiên được ví như Vịnh "Hạ Long" tại Kiên Giang

Nằm lẫn giữa 140 hòn đảo lớn nhỏ trên Vịnh Hà Tiên, đảo Hòn Nghệ được tạo thành từ đá sa thạch xen lẫn đá vôi karst. Hòn Nghệ như một viên ngọc quý thô sơ tuyệt đẹp, ẩn mình giữa vòng tay biển xanh bao la với rừng xanh mát rượi trên đảo.

10(1).jpg
Tượng Phật Bà Quan Âm lưng chừng trên núi Lầu Chuông nhìn ra biển lớn

Tàu bắt đầu cập cảng, ấn tượng đầu tiên là tượng Phật Bà Quan Âm cao 20m đứng uy nghi, tự tại giữa lưng chừng núi Lầu Chuông nhìn ra biển lớn. Đây là ngọn núi đá vôi bị nước biển xâm thực hàng trăm triệu năm nên có hình dáng đẹp, kỳ vĩ với nhiều hang động bí hiểm.

4(2).jpg
Quần thể tượng các vị La Hán

Để đến được chùa, chúng tôi phải đi qua những con đường và bậc đá ngoằn ngoèo, quanh co. Đến gần chùa, điểm đầu bắt gặp là tượng Phật Bà Quan Âm, đi sâu vào khoảng 20m phía bên trái là quần thể tượng các vị La Hán bằng đá trắng được tạc đẽo, tạo dáng rất công phu, tỉ mỉ và thanh thoát.

8(1).jpg
Núi Lầu Chông

Tiến vào bên trong là những dãy nhà cho các Tăng và phật tử sinh hoạt, ăn ngủ. Ngôi chùa vắng người đến kỳ lạ, chỉ nghe văng vẳng tiếng chim hót ríu rít vang ra từ cánh rừng và tiếng kinh niệm Phật, càng tạo nên vẻ trầm mịch. Bên trong khuôn viên chùa chỉ có một đến hai phật tử lên đây làm công quả. Điều khó hiểu là nhìn hết khu vực xung quanh không hề thấy các điện thờ như các ngôi chùa khác.

3(2).jpg
Đường đi lên chùa Liên Tôn Cổ Tự

Chúng tôi được sư thầy Thích Minh Công tiếp chuyện và giới thiệu về ngôi chùa huyền bí này. Liên Tôn cổ tự trước đây được đặt tên là Liên Hoa cổ tự, do sư cô Diệu Thiện (tên thế tục Nguyễn Thị Bổn, SN 1901, nguyên quán tỉnh Cà Mau) thành lập từ năm 1930.

Đến năm 1973, sư cô Diệu Thiện viên tịch và đến năm 1975 chùa được đổi thành Liên Tôn cổ tự, vì chỉ có sư thầy và không còn ni cô tu hành ở đây nữa.

5(2).jpg
Sư thầy Thích Minh Công trước cửa hang vào chánh điện Liên Tôn Cổ Tự

Sư thầy Thích Minh Công cho biết: Cứ vào những tháng đầu năm, các phật tử khắp mọi miền đất nước và du khách đến tham quan, cúng viếng rất đông. Các phật tử, khách du lịch đến tham quan nơi đây là tín ngưỡng về tâm linh và khám phá hang động cùng với cảnh đẹp hoang sơ.

Liên Tôn cổ tự nằm ngay mũi núi Lầu Chuông, có nhiều điện thờ để các phật tử và du khách đến thăm viếng, đó là: hang Chánh điện, hang Đạt Ma sư tổ, Phật cô đơn... trong đó có những nhánh như: hang Kim Cương và hang Mẹ đẻ (hang Tiên) và đặc biệt là hang có dấu ấn vua Gia Long còn để lại...

Sỡ dĩ, Liên Tôn cổ tự không có các điện thờ được xây dựng như những ngôi chùa khác vì đều nằm trong các hang động thần bí, linh thiêng ẩn sâu trong núi Lầu Chuông. Trên núi lầu chuông có tổng cộng 36 hang động lớn nhỏ có niên đại hàng trăm triệu năm.

Nhiều tảng đá ở đây khi có sự tác động bên ngoài vào sẽ phát ra như tiếng chuông ngân vang xa vài cây số, chính vì thế nên người dân đặt tên ngọn núi này là Lầu Chuông.

Hệ thống điện thờ độc đáo

12.1.jpg
Điện thờ chánh điện

Thầy Thích Minh Công đã dẫn chúng tôi điểm đến đầu tiên là Chánh điện Liên Tôn cổ tự. Bên ngoài cửa hang là hai con rồng chầu đang uốn mình, thể hiện sự uy nghiêm và mạnh mẽ. Đi bộ chừng 20m với lối mòn hang động hẹp, chỉ dành cho một đến hai người đi lọt mới đến được chánh điện.

img_79.jpg
Điện thờ Hoàng Long

Chánh điện chỉ rộng khoảng hơn 70m2 có hai nhánh hang, hang lớn thờ Phật, nhánh nhỏ thờ Hoàng Long được thắp sáng với những ngọn nến lung linh huyền ảo.

9(1).jpg
Hình vảy rồng và những con vật trên vách đá trong hang điện thờ chánh điện

Quanh vách hang có nhiều hình tượng thần bí từ dòng chảy bào mòn của nước qua hàng ngàn năm, tạo nên những hình thù của những con vật như, voi, sư tử, cọp, vảy rồng...

Hang động được thông lên đỉnh núi, tạo nên một giếng trời thiên nhiên rọi ánh sáng xuống dưới, càng tạo nên nét đẹp thần bí nơi chánh điện và tôn thêm vẻ linh thiêng khi đến với cửa Phật.

img_8049.jpg
Miếu 5 mẹ Ngũ Hành

Cánh chánh điện khoảng 200m, đi qua miếu 5 mẹ Ngũ Hành là hang Kim Cương.

12(2).jpg
Những hòn đá óng ánh như những viên kim cương trong hang Kim Cương

Theo lý giải của sư thầy Thích Minh Công, những nhũ đá phát lên những ánh sáng lấp lánh trên vách đá giống như những viên kim cương khổng lồ nên mới có tên gọi là hang Kim Cương.

11(1).jpg
Bên ngoài cửa hang Kim cương

Hang Phật cô đơn cách hang Kim Cương khoảng 50m, bên ngoài miệng hang là cây Da hàng trăm năm tuổi như bảo vệ cho Phật khi gặp thời tiết mưa nắng thất thường.

13(1).jpg
Điện thờ hang Kim Cương

Theo sư thầy Thích Minh Công, trước đây, một ni cô đến đây tu hành đã mang duy nhất một tượng Phật vào hang để tín ngưỡng. Khi ni cô mất, tượng Phật vẫn được đặt trong hang và ngày ngày các vị sư ở chùa đến đây hương khói. Tên gọi hang Phật cô đơn được lý giải từ đây.

14(1).jpg
Bên cửa hang điện thờ Phật cô đơn có cây Da hàng trăm năm tuổi

Điểm cuối cùng mà chúng tôi đặt chân đến là hang Mẹ đẻ, bên ngoài cửa hang là những bậc đá được tạo hóa ban tặng như những “bậc thềm” tự nhiên để các phật tử và du khách đến nơi đây khám phá.

16(1).jpg
Những bậc thang đá tự nhiên giúp du khách vào thăm hang Mẹ đẻ

Để vào được hang Mẹ đẻ, du khách phải chui khom người mới qua được cửa hang. Vào sâu phía bên trong cửa hang là lối đi nhỏ hẹp, có những đoạn hang, du khách phải nghiêng mình mới đi sâu được vào bên trong.

18(1).jpg
Trong hang động có nhiều hình thù của người của người phụ nữ

Sư thầy Thích Minh Công giải thích: Gọi là hang Mẹ đẻ bởi vì hang này lối vào vừa hẹp lại thấp thể hiện sự tần tảo, chu toàn của một người phụ nữ phương Đông. Đặc biệt, trong hang động lại có những hình thù giống với người phụ nữ.

20(1).jpg
Phía sau bức tượng Mẹ là khối nhũ có hình dáng như cô Tiên

Hang Mẹ đẻ còn được gọi là hang cô Tiên, bởi phía sau bức tượng Mẹ là khối nhũ có hình dáng cô Tiên với mây trắng bao phủ như chốn bồng lai tiên cảnh.

19(1).jpg
Vào hang nhiều đoạn đường phải nghiêng mình mới chui lọt

Hệ thống hang động ở núi Lầu Chuông đi cùng những câu chuyện kỳ bí, là một hành trình đầy phấn khích nhiều cảm xúc đối với du khách đến với Hòn Nghệ.

17(1).jpg
Những hình ảnh kỳ lạ trong hang Mẹ đẻ

Sự thú vị khi chính khách đến đây để khám phá, chinh phục từng chặng đường có phần mạo hiểm của hệ thống hang động ở núi Lầu Chuông và cũng để cảm nhận một bức tranh du lịch đầy sắc màu riêng của xứ đảo Hòn Nghệ.

Ở núi Lầu Chuông còn có câu chuyện bí ẩn và dấu ấn của vua Gia Long khi bị quân Tây Sơn truy đuổi đã đến nơi đây trú ẩn trong một hang động. Sau này một người dân sống trên đảo Hòn Nghệ đã tìm thấy những báu vật của vua Gia Long để lại...

(còn tiếp)

Bài cuối: Gặp người tìm được báu vật của vua Gia Long

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ bí núi Lầu Chung Bi 1: Ngi ch a độc lạ, thần bí!