Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi may mắn có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Dương Công Sửu tại thành phố Lạng Sơn — một vị tướng với nhiều trận đánh và chiến công lừng lẫy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Qua những câu chuyện ông kể, tôi lại càng thấm thía và thấu hiểu hơn về trang sử hào hùng của dân tộc cũng như tinh thần bất khuất của cha ông.
Trí – Dũng và sự kiên cường trận mạc
Ở tuổi 75 nhưng Trung tướng Dương Công Sửu (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 28 Đặc công; nguyên Phó tư lệnh Quân khu 1) vẫn thanh thoát, nhanh nhẹn, ánh mắt vẫn sắc sảo cùng giọng nói vang và chắc.
Trên bức tường của căn nhà nhỏ, đơn sơ nơi ông sinh sống tại phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) treo kín những Huân, Huy chương mà ông vinh dự được trao tặng.
Khi nghe tôi hỏi về những năm tháng chiến tranh và những trận đánh oai hùng năm xưa, ông Sửu phải ngừng một lúc để kìm xúc động.
Ông Sửu kể: “Nếu nói về bộ đội đặc công, chúng tôi không đánh theo kiểu thông thường, mà mỗi trận đánh đều là một cuộc đấu trí, một lần vượt lên giới hạn của chính mình. Nhiều trận đánh, chúng tôi phải bò qua từng bãi mìn, từng hàng rào dây thép gai, lặng lẽ như những bóng ma trong đêm tối. Lằn ranh giữa sự sống với cái chết mong manh lắm. Chỉ một sơ suất nhỏ thì hậu quả tàn khốc vô cùng.
Có những lần cả tổ đặc công đi suốt ba đêm liền, nhịn đói, nhịn khát để tiếp cận mục tiêu. Khó khăn, gian khổ và hiểm nguy là vậy nhưng không ai lùi bước. Đặc biệt, với lính Đặc công chúng tôi thì chữ "nhẫn" luôn đặt lên hàng đầu. Nhẫn để chờ đợi thời cơ, nhẫn để chịu đựng gian khổ, và nhẫn để đánh trúng, đánh gọn, rồi rút êm".
Ông Sửu lần lượt kể cho tôi nghe từ trận đánh này tới thắng lợi khác trải dài trên khắp các chiến trường, như: Trận tập kích nam Suối Ngô ngày 29/4/1970; trận cầu sắt Bà Chiêm ngày 3/5/1970; trận phục kích chốt chặn Tây Nam Suông (Lộc Ninh) ngày 28/3/1971; trận phục kích đánh xe cơ giới địch trên đường 13 nam Chơn Thành tháng 4/1972; trận tập kích cụm xe phía tây Cây Cầy (Bình Long) ngày 26/6/1972 và trận Lai Khê ngày 11/8/1972…
Trong trận Tây Nam Suông ngày 28/3/1971, đơn vị ông Sửu nhận nhiệm vụ phải chặn đứng quân địch tại chỗ, không cho viện binh của địch từ hướng đông chạy lên cứu viện, đồng thời chặn đường tháo chạy của chúng.
Do nhiệm vụ gấp, phải chiếm lĩnh trận địa trước sáng 28/3, trong khi đó đường từ đơn vị tới vị trí trận địa xa, khó đi nên việc hành quân phải vừa đi vừa chạy. Sau 2 ngày đêm, đơn vị mới đến vị trí triển khai.
Nhưng lần này trận địa rất trống trải, xung quanh toàn đồng ruộng nên bị địch phát hiện. Địch bắn pháo ở các hướng vào trận địa, cho xe tăng kết hợp bộ binh tấn công quân ta. Nhưng với ý chí kiên cường, ông Sửu cùng đồng đội vẫn quyết tâm chiến đấu đến cùng.
Ngay những phút đầu giao tranh, 3 xe địch bốc cháy, đội hình địch rối loạn và phải rút ra. Sau 2 đợt tiến công mà không chọc thủng được trận địa của ta nên địch cho máy bay ném bom oanh tạc.
Trước tình hình nguy cấp, ông Sửu lệnh cho đồng đội giãn đội hình, lợi dụng các rãnh đường để tránh sát thương. Khi máy bay dừng ném bom, anh em lại nhanh chóng trở về công sự để tiếp tục chiến đấu. Cứ như vậy, sau 3 lần tấn công không thành, địch đành phải rút lui.
Sau trận đánh, đồng đội bị thương nhiều nên ông Sửu tổ chức cho đơn vị đưa thương binh về tuyến sau. Trên đường đi, khi sắp vượt qua lộ 7 thì địch phát hiện, chúng cho máy bay đánh chặn đường. Để anh em thương binh được rút lui an toàn, ông cùng một đồng đội chạy vòng sang hướng khác, bắn AK để thu hút hỏa lực địch.
Trong quá trình triển khai kế sách "dương Đông, kích Tây" này, người đồng đội tên Vọng không may bị thương nặng.
“Để không ảnh hưởng tới tôi, đồng chí ấy nói: “Anh đã mệt rồi, cứ để em ở đây, anh đi trước rồi cho đơn vị ra đón sau”. Nhưng tôi quyết tâm cho dù hy sinh thì cũng phải đưa đồng đội về. Cũng may mắn, lần đó cả 2 người chúng tôi đã thoát khỏi vòng vây và về đến đơn vị an toàn”, Trung tướng Sửu kể lại.
Trận đánh đầu tiên và nghĩa tình đồng đội
Đến giờ, ông Sửu vẫn nhớ trận đánh đầu tiên của mình, đó là trận đánh trên Đồi Lộng Gió. “Lần đó, đang trên đường hành quân ở Tây Nguyên, khi thấy quân địch đổ bộ bằng trực thăng xuống đồi nên chúng tôi tổ chức đánh, khiến cho địch bất ngờ. Vì thấy tôi có vóc người nhỏ bé lại nhanh nhẹn nên Trung đội trưởng, tên Bùi, quê ở Thái Nguyên, giao cho tôi nhiệm vụ làm liên lạc.
Trong trận đánh này, hỏa lực địch mạnh hơn nên không may anh Bùi đã bị mảnh đạn pháo bắn trúng. Anh ấy gọi tôi: “Sửu ơi, tao bị thương rồi”. Tôi chạy lại thì thấy 2 chân của anh Bùi bị dập nát. Tôi lấy băng để băng vết thương lại, nhưng do vết thương nặng, máu mất nhiều nên anh ấy không qua được. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến đồng đội hy sinh”, ông Sửu mắt rưng rưng.
Cũng trong trận đánh này, chân của ông Sửu bị mảnh đạn găm vào khi đang di chuyển. Ông tìm một gốc cây để ẩn lấp rồi băng lại vết thương. Nhưng khi sờ vào cuộn băng của mình thì ông Sửu mới nhớ ra là đã lấy để băng vết thương cho vị Trung đội trưởng.
Khi đang loay hoay định xé mảnh quần để quấn tạm lên vết thương nhằm cầm máu, ông Sửu bất ngờ nhìn thấy một đồng đội thuộc đại đội khác đi tới. Ông liền gọi với theo để xin băng cứu thương.
Người đồng đội ấy nhanh chóng giúp ông băng bó vết thương, rồi cả hai lại tiếp tục lên đường. Cuộc gặp gỡ diễn ra rất ngắn ngủi, nhưng gương mặt người đồng chí ấy đã in sâu vào trí nhớ của ông Sửu.
Nhiều năm sau, khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, ông Sửu có dịp gặp lại người đồng đội năm xưa. Trong thời gian giữ cương vị Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Lạng Sơn, trong một chuyến công tác tại Quân khu, ông tình cờ nghe anh em nhắc đến một đồng chí đang công tác tại Ban thanh tra, kiểm tra của Quân khu — cũng là người Lạng Sơn.
“Nghe vậy, tôi liền đi tìm. Thật vui đó lại chính là người đồng đội đã băng bó cho tôi trên chiến trường năm nào. Cho dù chỉ nhìn thấy khuôn mặt của ông ấy có một lần, nhưng gặp lại tôi nhận ra ngay. Còn ông ấy, phải nghe tôi kể lại kỷ niệm năm đó thì mới nhớ ra được. Rồi chúng tôi cùng ngồi trò chuyện, ôn lại ký ức về những ngày xông pha khói lửa. Từ đó tôi mới biết tên ông ấy là Phùng Văn Vả, người ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn”.
Tôi bị cuốn vào câu chuyện của vị tướng anh hùng từ sáng sớm cho đến tận quá trưa. Khi những tia nắng đã đứng bóng trên đỉnh đầu, tôi mới rời khỏi căn nhà nhỏ của ông, mang theo trong lòng biết bao cảm xúc khó quên.
Điều khiến tôi xúc động không chỉ là những chiến công oanh liệt ông kể lại, mà còn bởi tấm lòng yêu nước tha thiết nơi ông – một ngọn lửa âm ỉ nhưng bền bỉ, cháy mãi không nguôi.
Tôi tin rằng, ngọn lửa ấy sẽ tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau, như một nguồn cảm hứng bất tận về lòng yêu nước và tinh thần cống hiến.