Tin địa phương

Lâm Đồng: Đề xuất tiêu hủy lâm sản vi phạm tại chỗ

Lê Hiếu - Tiến Đạt 22/10/20 - 21:30

Tang vật vi phạm (gỗ tròn thông 3 lá) được Công ty canh giữ tại hiện trường từ thời điểm phát sinh vụ việc (ngày 26/5) đến nay đã xuống phẩm cấp nhanh khi tiếp xúc với điều kiện ngoài trời. Do vậy, hiện nay hầu hết các lóng gỗ có giá trị sử dụng đã hạ thấp, nên được đề xuất tiêu hủy tại rừng.

Ngày 22/10, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan, về việc xem xét nội dung đề xuất được tiêu hủy lâm sản vi phạm tại rừng của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Tam Hiệp (Công ty Tam Hiệp).

z59569092923_a7ec95e2febaca9c5786337a59f1eaa6.jpg
Công ty Tam Hiệp xin được đề xuất tiêu hủy số lâm sản vi phạm tại rừng; không tiến hành thu gom, vận chuyển để bán đấu giá.

Theo công văn, UBND tỉnh sau khi tiếp nhận được văn bản đề xuất của Công ty Tam Hiệp về việc xử lý lâm sản vi phạm, có ý kiến như sau: Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan xem xét nội dung kiến nghị của Công ty; hướng dẫn công ty theo thẩm quyền và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh nội dung vượt thẩm quyền theo quy định trước ngày 25/10.

Theo báo cáo của Công ty Tam Hiệp, vào tháng 5/20, tại khu vực khoảnh 1, tiểu khu 681, thuộc địa bàn xã Tam Bố, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện một vụ khai thác trái phép với số lượng 37 cây gỗ thông ba lá thuộc nhóm IV, có đường kính từ 18 – 52cm bị chặt hạ. Cụ thể, có 37 cây gỗ thông ba lá với tổng khối lượng 34,895m3, tổng diện tích thiệt hại 972 m2.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế lâm sản vi phạm sau khi bàn giao và tình hình thực tế, việc thu gom lâm sản vi phạm gặp không ít khó khăn như: hiện trường vụ vi phạm nằm ở xa khu dân cư, tuyến đường giao thông đến địa điểm vi phạm đi lại rất khó khăn, chỉ di chuyển được bằng xe máy hoặc đi bộ, các phương tiện xe cơ giới khác hầu như không thể lưu thông. Để vận chuyển số lâm sản ra khỏi hiện trường, cần phải mở đường, rất tốn kém chi phí và gây tổn hại hệ sinh thái rừng.

Ngoài ra, ngày 31/5, các cơ quan chức năng đã hoàn tất khám nghiệm hiện trường, Công ty Tam Hiệp xây dựng dự toán thu gom, vận chuyển và bảo quản tang vật vi phạm 34,895m3 gỗ thông 3 lá, từ hiện trường về bãi tập kết Trạm lâm nghiệp số 1, với tổng kinh phí 92.866.564 đồng (gần 93 triệu đồng). Trong khi hầu hết các lóng gỗ đã bị mục ngoài, bọ xè dẫn đến giá trị sử dụng đã hạ thấp.

Từ những khó khăn nêu trên, Công ty Tam Hiệp xin được đề xuất tiêu hủy số lâm sản vi phạm tại rừng; không tiến hành thu gom, vận chuyển để bán đấu giá.

Trước đó, ngày 5/6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản số 3534/UBND-LN về việc khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng trái pháp luật tại tiểu khu 681, xã Tam Bố, huyện Di Linh.

Đến ngày 05/8, cơ quan CSĐT Công an huyện Di Linh có thông báo số 732/TB-ĐCSKT về nội dung kết luận định giá tài sản; Quyết định số 1231/QĐ-ĐCSKT ngày 10/9/20 về xử lý vật chứng; Biên bản về việc trả lại tài sản, đồ vật, tài liêu ngày /9/20 của cơ quan CSĐT Công an huyện Di Linh để công ty tiếp tục quản lý tài sản theo quy định, triển khai thu gom, vận chuyển, bảo quản lâm sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm Đồng: Đề xuất tiêu hủy lâm sản vi phạm tại chỗ