Đời sống

Lắng nghe ý kiến của nhân dân về việc đặt tên xã, phường

Thanh Phương 28/04/2025 - 11:30

Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vừa triển khai lấy ý kiến nhân dân về việc đặt tên xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính. Phương án đánh số đã được thay thế bằng các tên gọi gắn với văn hóa, lịch sử của từng địa phương.

Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 11.114,71 km2, quy mô dân số 4.320.947 người, có 26 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 2 thành phố, 2 thị xã và 22 huyện, trong đó có 11 huyện thuộc khu vực vùng cao, miền núi; 547 xã gồm 63 phường, 32 thị trấn, 452 xã, trong đó có 16 xã, thị trấn biên giới.

tpthanhhoa.jpg
Một góc TP Thanh Hóa

Sau sắp xếp, Thanh Hóa còn 166 đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm: 18 phường và 148 xã (73 xã đồng bằng, 75 xã miền núi). Số xã, thị trấn giáp nước bạn Lào là 16 đơn vị. Toàn tỉnh giảm 381 xã so với hiện nay, tương ứng giảm 69,65%.

Huyện biên giới Mường Lát và 1 số xã giáp biên, 6 xã thuộc khu vực miền núi, vùng cao giữ nguyên, không thuộc diện sắp xếp. Thực hiện định hướng giữ ổn định số lượng xã, thị trấn biên giới giáp nước bạn Lào để không ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

bophieu.jpg
Lấy ý kiến nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính, tên gọi

Trong đó, 12 xã, thị trấn biên giới giữ nguyên; sắp xếp 4 xã biên giới với các xã, thị trấn không phải là biên giới để thụ hưởng chính sách của khu vực biên giới. Không sắp xếp đối với 6 xã vùng núi, miền núi cao có diện tích rộng, địa hình đồi núi, chia cắt, kết nối giao thông còn nhiều hạn chế, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Cử tri, người dân trong tỉnh Thanh Hóa đồng thuận cao trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, người dân boăn khoăn về việc các địa phương lựa chọn phương án đánh số các đơn vị hành chính mới. Trong khi, Thanh Hóa có rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, truyền thống hào hùng gắn với mỗi địa phương.

nongcong.jpg
Đơn vị hành chính mới của huyện Nông Cống

Lắng nghe ý kiến của nhân dân, các đơn vị đồng loạt thay đổi tên đơn vị hành chính mới từ đánh số sang lựa chọn tên gọi theo góc độ văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương hoặc lựa chọn một trong những tên của nhóm địa phương sáp nhập.

TP Thanh Hóa sắp xếp 46 phường, xã và một phần địa giới hành chính của phường Quảng Cát và 2 xã: Thiện Giao, Tân Châu thuộc huyện Thiệu Hóa thành 7 phường. Ban đầu, các đơn vị được đánh số, sau khi xin ý kiến của nhân dân được điều chỉnh thành phường Hạc Thành; phường Quảng Phú; phường Đông Quang; phường Đông Sơn; phường Đông Tiến; phường Hàm Rồng; phường Nguyệt Viên.

chutichth.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn xuống dự, lắng nghe ý kiến của nhân dân

Thị xã Nghi Sơn bỏ đánh số, đặt tên phường, xã phù hợp yếu tố truyền thống lịch sử. Theo phương án trước đó, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thị xã Nghi Sơn được chia thành 10 phường, xã (gồm 8 phường và 2 xã), giảm 20 xã, phường với tên gọi dự kiến từ Nghi Sơn 1 đến Nghi Sơn 10.

Nghi Sơn sau đó đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt thị xã và các xã, phường để thảo luận về tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã mới theo yếu tố gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương; đồng thời tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Kết quả, toàn thị xã có 64.853 cử tri đại diện hộ gia đình thống nhất với phương án, đạt tỷ lệ 95,03% so với tổng số cử tri đại diện hộ gia đình. Đơn vị hành chính mới gồm phường Ngọc Sơn; phường Tân Dân; phường Hải Lĩnh; phường Tĩnh Gia; phường Đào Duy Từ; phường Hải Bình; phường Trúc Lâm; phường Nghi Sơn; xã Các Sơn; xã Trường Lâm.

Tại huyện Vĩnh Lộc, có 22.530 đại diện cử tri đồng ý với phương án điều chỉnh tên gọi các xã mới sau sắp xếp, đạt tỷ lệ 93,18%. Theo đó, các xã mới là: Tây Đô, Vĩnh Lộc và Biện Thượng thay cho tên gọi cũ là Vĩnh Lộc 1, Vĩnh Lộc 2, Vĩnh Lộc 3.

Tương tự, huyện Hoằng Hoá hiện có 36 xã, thị trấn, diện tích tự nhiên hơn 203,85 km2, quy mô dân số 265.144 người. Theo phương án trước đó, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Hoằng Hoá được chia thành 8 xã với tên gọi dự kiến từ Hoằng Hoá 1 đến Hoằng Hoá 8.

Sau khi lấy ý kiến nhân dân, huyện Hoằng Hoá bỏ đặt tên xã theo phương án đánh số thứ tự và lấy tên các đơn vị xã mới sau sáp nhập. Bao gồm xã Hoằng Hoá; xã Hoằng Tiến; xã Hoằng Thanh; xã Hoằng; xã Hoằng Châu; xã Hoằng Sơn; xã Hoằng Phú; xã Hoằng Giang.

Không chỉ phù hợp yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, tên các phường, xã mới được nghiên cứ kỹ lưỡng, dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.

Trong ngày 28/4, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục họp yêu cầu một số địa phương, đơn vị khẩn trương bàn kỹ càng, thấu đáo để thống nhất lại tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã mới và không được trùng với tên của đơn vị hành chính cấp xã khác trong tỉnh, trên cơ sở đồng thuận ý kiến của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe ý kiến của nhân dân về việc đặt tên xã, phường