Chiều 26/4, tại trụ sở Tỉnh ủy Bình Định, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định và Gia Lai đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, cuộc họp lần thứ nhất diễn ra ngày 4/4 tại tỉnh Gia Lai, đây là lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy của 2 tỉnh gặp nhau để bàn việc sắp xếp và để lại rất nhiều ấn tượng.
“Cuộc họp hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và Gia Lai sẽ cho ý kiến các việc lớn, để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, trình Quốc hội”, ông Hồ Quốc Dũng phát biểu.
Tại Hội nghị lần này, sẽ thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính Bình Định và Gia Lai, lấy tên tỉnh mới là Gia Lai, đặt trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Quy Nhơn, Bình Định hiện nay. Ngoài ra, ý kiến về nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy, phân công cán bộ, thành lập Ban chỉ đạo hợp nhất 2 tỉnh và các Tiểu ban phục vụ Đại hội tỉnh Đảng bộ Gia Lai mới.
“Việc ý kiến nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy, phân công cán bộ, rất hệ trọng và khó nhất. Sắp xếp bộ máy mới phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và vận hành ngay sau khi sáp nhập”, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, trước khi có cuộc họp này, Thường trực Tỉnh ủy Bình Định và Gia Lai đã dành hơn 1 giờ đồng hồ để thảo luận, cho ý kiến xung quanh nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy, phân công cán bộ.
“Sẽ xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy của 2 địa phương để thống nhất. Khi sắp xếp xong, phải tạo được sự đoàn kết nhất trí cao, tạo sức mạnh và động lực mới. Tỉnh Gia Lai mới phải phát triển tốt hơn, trở thành cực tăng trưởng mạnh mẽ của đất nước”, ông Hồ Quốc Dũng nói.
Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, theo dự thảo, sau khi hợp nhất hai tỉnh, dự kiến lấy tên là tỉnh mới là Gia Lai, diện tích của tỉnh là 21.576km2 (lớn thứ 2 cả nước). Quy mô dân số đạt 3,54 triệu người, có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường).
Tỉnh Gia Lai mới sau sắp xếp có trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Quy Nhơn.