Đó là nhận định của ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tại Hội nghị sơ kết Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 – 2025. Hội nghị do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì tổ chức, diễn ra từ ngày 22 đến 23/12.
Năm 2023, cùng với sự đồng lòng của các tỉnh, thành phố, du lịch vùng Đông Nam Bộ có nhiều khởi sắc. Tp. Hồ Chí Minh giữ vai trò trung tâm đầu mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch của cả vùng, tích cực gắn kết các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ trong quá trình tổ chức các sự kiện du lịch. Hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch được triển khai hiệu quả. Nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao được hình thành, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng Đông Nam Bộ.
Với tiềm năng, lợi thế về địa lý, các đại biểu dự Hội nghị có chung nhận định ngành du lịch cần chủ động hợp tác, tích cực sáng tạo để phát triển du lịch lớn mạnh, vững chắc. Cần khai thác hiệu quả hơn sản phẩm đặc thù ở từng địa phương, đa dạng các loại hình du lịch, giúp doanh nghiệp du lịch mở rộng thị trường, tiếp tục khảo sát, hình thành, phát triển sản phẩm du lịch và đưa các tour, tuyến du lịch trở thành bản đồ chung cho vùng.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất, cần xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch vùng trên kênh truyền thông quốc tế; đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc triển khai các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm liên kết thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, các giải pháp cần tập trung như: Xác định hợp tác và liên kết là sự tất yếu để duy trì và mở rộng thị trường khách du lịch vùng, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp “6 địa phương - 1 điểm đến”, làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương nhằm tăng sức hút; xác định thị trường mới và thị trường nguồn đối với khách nội địa và quốc tế.
Cần tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch đối với các thị trường nguồn và trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á... thông qua việc thạm dự các Hội chợ Du lịch Quốc tế. Bên cạnh đó, việc liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch có thể xem là “chất xúc tác” để nâng cao hiệu quả tiếp thị điểm đến Đông Nam Bộ và gia tăng lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
Tại Hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, sau 3 năm ký kết thỏa thuận, ngoài nhận thức về tính liên kết vùng trong lĩnh vực du lịch, các địa phương đã chỉ ra được những ưu, khuyết điểm của từng năm và đặt ra nhiệm vụ cho năm sau một cách cụ thể như: Phương thức phối hợp giữa các địa phương đã được cải thiện, việc liên kết dần đi vào chiều sâu, góp phần tăng hiệu quả phát triển ngành du lịch của vùng Đông Nam Bộ.
Tại Hội nghị, các đại biểu chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai thỏa thuận liên kết du lịch vùng như: Công tác quảng bá du lịch vùng trên các kênh truyền thông của từng địa phương chưa thường xuyên; chưa có chương trình cụ thể liên kết, hỗ trợ, ưu đãi cho du khách giữa các địa phương trong vùng; chưa có chiến lược quảng bá cho toàn vùng; thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch chưa hiệu quả.
Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 - 2025 được lãnh đạo 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ ký kết vào năm 2020. Các tỉnh, thành luân phiên chủ trì sơ kết thực hiện thỏa thuận theo từng năm. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Hội nghị giao nhiệm vụ Trưởng ban điều phối Vùng năm 20.