Hơn nửa tháng qua, dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân đang khiến đàn lợn tại xã miền núi Nam Đông (TP Huế) chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Dù đau xót, nhiều hộ dân vẫn chủ động tiêu hủy, chấp nhận thiệt hại để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Ông Cao Viết Hùng (63 tuổi, trú tại thôn 9, xã Nam Đông) là một trong những hộ chịu ảnh hưởng nặng nề. Đàn lợn 25 con của ông, gồm 2 lợn nái và 23 lợn thịt, vốn được ông kỳ vọng là nguồn thu nhập ổn định, đang đứng trước nguy cơ mất trắng.
“Đầu tháng 7, một con nái bỏ ăn, thân nhiệt tăng, da ửng đỏ. Tôi lập tức mua thuốc điều trị nhưng chỉ vài ngày sau, nó chết. Rồi từng con một lăn ra, dù tôi làm đủ cách”, ông Hùng cho biết. Đến nay, ông đã phải tiêu hủy 10 con lợn bằng cách đào hố chôn lấp, rắc vôi bột và phun khử trùng để tránh lây lan.
con lợn còn lại trong chuồng cũng đang có dấu hiệu nhiễm bệnh. Nhận thấy cơ hội chữa khỏi rất thấp, ông Hùng đã đào sẵn hố trong vườn để chờ tiêu hủy. Thiệt hại ước tính khoảng 140 triệu đồng, số tiền lớn với một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở vùng núi.
Dù vậy nhưng ông Hùng không chọn giải pháp “bán tháo” hay giết mổ lợn bệnh, hành vi từng xảy ra ở một số nơi, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. “Mất tiền còn gỡ được, chứ lỡ bán lợn bệnh ra ngoài, lương tâm không cho phép,” ông khẳng định.
Theo ông Cao Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Đông, đến nay toàn xã ghi nhận hơn 100 con lợn chết, tập trung tại các thôn La Vân, Phú Nhuận, thôn 5, 8 và 9. Đối tượng chịu thiệt hại chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu điều kiện phòng dịch và chăm sóc y tế chuyên sâu.
“Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, xã phối hợp lực lượng thú y tiến hành kiểm tra, phun thuốc kháng sinh, khử trùng chuồng trại và hướng dẫn người dân thực hiện tiêu hủy theo đúng quy định”, ông Cao Bé thông tin.
UBND xã cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân tuyệt đối không buôn bán, giết mổ lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Dù lợn chết hàng loạt, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể. “Chúng tôi đang phối hợp với ngành thú y lấy mẫu xét nghiệm. Tình hình đang diễn biến phức tạp, số lượng lợn chết có thể tiếp tục tăng”, ông Bé lo ngại.
Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi có nguy cơ lan rộng, sự chủ động và trách nhiệm của người chăn nuôi là điểm sáng, góp phần hạn chế thiệt hại và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để, ngành chức năng cần khẩn trương xác định tác nhân gây bệnh, khoanh vùng ổ dịch và hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Sáng ngày 17/7, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Huế khóa VIII, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại Huế đang được kiểm soát tốt.
"Mặc dù vẫn ghi nhận một số điểm dịch tả lợn, dịch tai xanh cục bộ, nhỏ lẻ nhưng đều được phát hiện kịp thời, tổ chức tiêu hủy và khống chế triệt để tại chỗ, không để lây lan diện rộng", ông Nguyễn Đình Đức nói.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, hiện đàn lợn trên địa bàn an toàn, qua kiểm tra, lấy mẫu chưa có dịch bệnh. Người dân nên yên tâm sử dụng thịt lợn đã qua kiểm tra thú y.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế lưu ý người dân cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, chế biến thịt kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm.