Tòa án địa phương

“Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có thể nói là toàn diện”

Mạnh Hùng 23/06/20 20:13

“Dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi) lần này có thể nói là toàn diện, đổi mới và rất căn cơ và có nhiều điểm nổi bật”, đó là chia sẻ của Thẩm phán Vũ Bình Phương, Chánh án TAND TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) với PV Báo Công lý khi nói về một số điểm nổi bật của dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi).

ba99261c-6f2e-4523-88f3-3039975793f7.jpeg
Thẩm phán Vũ Bình Phương, Chánh án TAND TP. Việt Trì

Nhiều điểm nổi bật

Liên quan đến dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Thẩm phán Vũ Bình Phương, Chánh án TAND TP Việt Trì cho biết, nội dung “Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp” nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Ngoài ra, nội dung này cũng thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “cụ thể hóa và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp”; “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”. Quyền tư pháp đã được quy định tại Điều 2 của dự án luật: “Quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.

Theo Chánh án, làm rõ được nội hàm quyền tư pháp sẽ là cơ sở để quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án. Tuy TAND được Hiến pháp giao thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 102); Nghị quyết 27 yêu cầu “Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, nhưng đến nay nội hàm quyền tư pháp vẫn chưa được hiểu thống nhất và chưa được quy định đầy đủ trong Luật Tổ chức TAND và các luật có liên quan.

Theo Chánh án Vũ Bình Phương, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) lần này có thể nói là toàn diện, đổi mới và rất căn cơ và có nhiều điểm nổi bật. Trong đó phải kể đến nội dung “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”. Tại Điều dự thảo quy định: “Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập chứng cứ, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quyết định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”.

Chánh án cho rằng quy định này phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành.

Ngoài ra, theo Chánh án TAND TP Việt Trì, việc quy định đổi mới về tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử - TAND sơ thẩm; TAND phúc thẩm cũng là điểm nổi bật.

Việc quy định đổi mới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử như trên là đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là để quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

“Việc đổi mới các Tòa án khẳng định đúng bản chất để bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; quan hệ giữa các Tòa án là quan hệ tố tụng, không phải là quan hệ hành chính và bảo đảm nguyên tắc độc lập giữa các cấp xét xử”, Chánh án TP Việt Trì nhấn mạnh.

Đặc biệt, việc đổi mới các Tòa án này không ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của cơ quan dân cử đối với TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm; không ảnh hưởng đến quan hệ phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp; không xáo trộn về tổ chức cán bộ, không tăng đầu mối, biên chế.

Với tư cách là 1 người đứng đầu của một đơn vị trong hệ thống Tòa án, Chánh án Vũ Bình Phương cho biết, theo Hiến pháp năm 2013, Tòa án là cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tòa án thực hiện quyền tài phán quốc gia, không phải của tỉnh, huyện hay địa phương nào cả. Tòa hoạt động theo thẩm quyền tố tụng, nên việc tổ chức Toà án theo cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không chỉ đơn thuần là việc đổi tên, mà tuân thủ Hiến pháp.

Ngoài ra, điều này còn thực hiện đúng chủ trương Nghị quyết 27-NQ/TW, góp phần thực hiện đúng nguyên tắc Toà án độc lập xét xử, khẳng định địa vị pháp lý của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền XHCN.

"Tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho TAND"

Theo Chánh án Vũ Bình Phương, việc đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử nhằm đảm bảo nâng cao nhận thức về tổ chức hoạt động của Tòa án theo nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được hiến định; Khắc phục cách hiểu quan hệ Tòa án là quan hệ hành chính. Đồng thời, quy định này phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Tòa án.

Thời gian tới, Chánh án Vũ Bình Phương cho biết, sẽ tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho TAND sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc. TAND phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ chính yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Bên cạnh đó, quy định này cũng tạo điều kiện để phát huy tính chuyên môn hóa trong giải quyết các vụ việc mang tính chất đặc thù như hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ như dự thảo luật đã quy định.

Về nội dung “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, theo Chánh án đây không phải là việc đẩy khó cho người dân, mà là một cơ chế tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình trong điều kiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Trước đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khi giải trình dự thảo Luật trước Quốc hội đã nói: Theo quy định, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Thực tế các bên đương sự, nguyên đơn và bị đơn đều là công dân nước CHXHCN Việt Nam, đều có khả năng và điều kiện có thể tự mình thu thập, cung cấp chứng cứ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình và điều này làm cho vụ án trở nên khách quan.

Theo Chánh án, thực tế, trong quá trình xét xử, Tòa án cũng dựa trên các chứng cứ của các bên đương sự thu thập để đi thẩm tra, xác minh, đánh giá chứng cứ của các bên cung cấp, kết quả tranh tụng…

“Đây là nhiệm vụ theo quy định của Thẩm phán, Hội đồng xét xử phải làm, không thể nhầm lẫn là Tòa án thu thập chứng cứ để xử, mà thực tế Tòa án chỉ thẩm tra, xác minh chứng cứ của các bên đưa ra”, ông Phương phân tích.

Đồng thời, ông Phương cũng nhấn mạnh rằng việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) c thể ni l ton diện”