Trong những tháng gần đây, hàng loạt vụ lừa đảo mạo danh nhân viên ngành điện đã khiến nhiều người dân trên khắp cả nước rơi vào bẫy chiếm đoạt tài sản. Mặc dù chiêu trò không mới, nhưng với sự phát triển của công nghệ, các đối tượng lừa đảo đã ngày càng tinh vi hơn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng không thể lường trước.
Nạn nhân hoảng hốt vì sợ cắt điện
Theo phản ánh từ người dân, các đối tượng lừa đảo thường gọi điện hoặc nhắn tin thông báo về việc khách hàng chưa thanh toán tiền điện, và nếu không thanh toán ngay lập tức sẽ bị cắt điện trong vòng giờ.
Thông báo này thường kèm theo yêu cầu bấm phím, truy cập vào các đường link lạ hoặc kết bạn qua Zalo để thanh toán hoặc xác minh thông tin cá nhân.
Chị Nguyễn Thị M, một nạn nhân của trò lừa đảo cư trú tại TP. Vinh, chia sẻ: “Tôi nhận được cuộc gọi từ một số lạ nhưng hiển thị tên là ‘EVN’. Người gọi nói giọng rất nghiêm nghị, nói tôi còn nợ hơn một triệu đồng tiền điện và nếu không chuyển khoản ngay lập tức, tôi sẽ bị cắt điện toàn bộ. Quá hoảng hốt, tôi suýt nữa đã chuyển khoản theo hướng dẫn qua Zalo”.
Các đối tượng lừa đảo không chỉ sử dụng giọng điệu uy hiếp mà còn giả mạo số tổng đài của công ty điện lực, khiến người dân dễ dàng bị lừa vì tưởng rằng đây là thông báo chính thức từ ngành điện.
Những thủ đoạn này đặc biệt lợi dụng sự thiếu hiểu biết về công nghệ của người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc những người ít tiếp xúc với công nghệ.
Kịch bản ngày càng tinh vi
Với sự phát triển của công nghệ, các kẻ gian không chỉ dừng lại ở việc giả mạo cuộc gọi, mà còn sử dụng các chiêu thức tinh vi hơn như làm giả số điện thoại (caller ID spoofing) để cuộc gọi hiển thị như đến từ tổng đài chính thức. Điều này khiến nạn nhân hoàn toàn không nghi ngờ, mà dễ dàng tin tưởng vào những yêu cầu chuyển tiền giả mạo.
Cộng thêm việc sử dụng các ứng dụng giả mạo, kẻ gian không chỉ lừa đảo qua điện thoại mà còn yêu cầu khách hàng tải các ứng dụng lừa đảo để thao tác thanh toán hoặc nhập các thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng và mã OTP. Khi người dân thực hiện những thao tác này, kẻ gian có thể chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của họ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhiều lần phát đi cảnh báo tới người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào không rõ danh tính.
EVN nhấn mạnh rằng mọi giao dịch liên quan đến tiền điện đều được thực hiện qua các kênh chính thức như ứng dụng chăm sóc khách hàng của EVN, ví điện tử uy tín hoặc các hệ thống ngân hàng hợp pháp.
Đại diện Công ty Điện lực Nghệ An khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ yêu cầu khách hàng chuyển khoản vào tài khoản cá nhân. Nếu cần thiết, nhân viên điện lực sẽ liên hệ qua số điện thoại chính thống hoặc có thông báo cụ thể tại địa phương”.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và bắt giữ một số đối tượng lừa đảo, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến và có xu hướng ngày càng tinh vi hơn.
Các chuyên gia an ninh mạng cho biết, sự hoang mang, lo lắng của người dân khi nghe thông báo cắt điện là yếu tố chính khiến họ mất cảnh giác. Các đối tượng lừa đảo sử dụng giọng điệu nghiêm trọng, văn bản giả mạo có dấu đỏ và logo EVN khiến người dân dễ dàng tin vào thông báo.
Họ cũng lợi dụng lòng tin của người dân, đặc biệt là những bà con ở vùng sâu, vùng xa hoặc đồng bào dân tộc miền Tây Nghệ An, nơi thông tin về các thủ đoạn lừa đảo không được phổ biến rộng rãi.
Ông Ngô Thế Lữ, Giám đốc Điện lực Anh Sơn, chia sẻ: “Lợi dụng vào những thời điểm người dân thiếu sự cảnh giác như giờ nghỉ trưa, buổi tối hoặc khi đang bận rộn công việc, kẻ gian có thể dễ dàng lừa gạt. Họ còn sử dụng nhiều đầu số điện thoại khác nhau để tạo lòng tin, như 0918378…, 0936682…”.
Trong những vụ lừa đảo này, các đối tượng yêu cầu nạn nhân truy cập vào các đường link lạ, tải về ứng dụng điện lực giả mạo và thực hiện các thao tác liên kết tài khoản ngân hàng với ứng dụng giả để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Cảnh giác với cuộc gọi “lừa đảo”
Để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc mã OTP qua điện thoại hay bất kỳ hình thức nào từ các cuộc gọi lạ hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc.
Người dân cần kiểm tra thông tin qua các kênh chính thống của ngành điện như tổng đài chăm sóc khách hàng của EVN hoặc ứng dụng điện lực chính thức.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo: “Hãy cảnh giác và không bao giờ cung cấp mã OTP, mật khẩu cá nhân. Khi nhận được cuộc gọi thông báo nợ tiền điện, đừng vội vàng chuyển tiền theo yêu cầu. Hãy xác minh lại thông tin từ nguồn chính thống trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào”.
Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về các chiêu trò lừa đảo tinh vi này, giúp họ tự bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của mình.