Ngày 21/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM và ông Lê Nguyễn Hồng Quang - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM chủ trì Hội nghị.
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Phạm Minh Tuấn cho biết, sau hơn 10 năm thi hành, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện vai trò to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước.
Đến nay, Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển lâu dài. Trong đó, việc sửa đổi các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành và cấp xã là một nội dung trọng tâm.
Ông Phạm Minh Tuấn đánh giá, việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam TP.HCM nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Góp ý tại Hội nghị, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Võ Thị Dung đề xuất các tổ chức chính trị - xã hội nên là “tổ chức thành viên nòng cốt của MTTQ Việt Nam” thay vì “trực thuộc MTTQ Việt Nam” như dự thảo nêu.
Bà Dung cho rằng, phương thức hoạt động của các tổ chức - chính trị xã hội cũng không thay đổi khi “phối hợp và thống nhất hành động", chỉ nhấn mạnh thêm yếu tố "dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam”. Với nội dung này, bà Dung đề nghị Hiến pháp cần sửa đổi thành “do sự chủ trì của MTTQ Việt Nam”.
Chia sẻ thêm tại Hội nghị, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đồng tình với các nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể tại dự thảo Nghị quyết.
Luật sư Hậu đề xuất diễn đạt khoản 1 Điều 110 theo hướng xác định rõ chỉ còn 2 cấp hành chính là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Việc xác định tên gọi cụ thể của cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, đặc khu...) sẽ do Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định.
Luật sư cũng đề nghị cần làm rõ và thống nhất việc sử dụng thuật ngữ “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” và "đặc khu" trong hệ thống pháp luật. Quan trọng là Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) sắp tới cần có các tiêu chí phân loại, thành lập, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) rõ ràng, khoa học, có tính đến yếu tố đặc thù, tránh chủ quan.
Đồng thời, cần có cơ chế ra quyết định chung đảm bảo nguyên tắc hiệp thương dân chủ đối với những vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức; cần quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết của cơ quan Nhà nước và đảm bảo nguồn lực phục vụ cho hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam.
Bà Ung Thị Xuân Hương - Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhất trí với quy định “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam”.
Theo bà Hương, quy định này phù hợp với Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Bà Hương cũng cho rằng nên cân nhắc từ “trực thuộc” và đề nghị thay bằng cụm từ “là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam” cho phù hợp quy định. Hơn nữa, 5 tổ chức chính trị - xã hội này có vị trí độc lập, hoạt động theo Điều lệ của từng tổ chức, khác với các phòng ban chuyên môn trực thuộc Mặt trận.
Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khi thực hiện sắp xếp các tổ chức này trực thuộc MTTQ Việt Nam để thống nhất cách gọi.
Về việc không quy định cụ thể ĐVHC dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi, điều chỉnh ĐVHC thì không phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, bà Hương đề nghị, làm rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương gồm 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở, bảo đảm rõ ràng, minh bạch. Trên cơ sở tính chất đặc thù của mỗi địa phương mà có thể tổ chức hoặc không tổ chức HĐND - UBND hay UBND.
Luật sư Trương Thị Hòa - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, hiện nay, ĐVHC ở nước ta đã và đang vận hành theo mô hình ba cấp: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Trong đó, cấp huyện chỉ còn giữ vai trò trung gian, không còn phù hợp với yêu cầu quản trị hiện đại và xu hướng chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, việc tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là phù hợp, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và sát với cơ sở.
Còn TS Lương Bạch Vân cho rằng, thời gian qua, giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã có sự phối hợp trong hoạt động. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó thì sự phối hợp hoạt động này chưa đồng đều. Do đó, hơn lúc nào hết cần có sự phối hợp mang tính toàn diện, đồng đều, hiệu quả giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
“Điều quan trọng là giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần có sự phối hợp, điều phối tốt hơn. Qua đó, hoạt động hiệu quả, tích cực hơn, đưa ra chương trình thống nhất, toàn diện, đồng bộ; để tạo ra kết quả tốt để dân thấy, dân nghe, dân đồng tình”, TS Lương Bạch Vân nói.
Các bước góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp qua VNeID:
Bước 1: Cài đặt hoặc cập nhật ứng dụng VNeID:
- Nếu chưa cài đặt ứng dụng VNeID, vui lòng tải và cài đặt từ App Store (đối với hệ điều hành iOS) hoặc Google Play Store (đối với hệ điều hành Android).
- Nếu đã cài đặt, hãy kiểm tra và cập nhật ứng dụng lên phiên bản mới nhất để đảm bảo có đầy đủ các tính năng cần thiết.
Bước 2: Đăng nhập hoặc đăng ký tài khoản VNeID:
- Sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) đã được cấp để đăng nhập vào ứng dụng.
- Nếu chưa có tài khoản, cần thực hiện đăng ký tài khoản theo hướng dẫn trên ứng dụng. Quá trình này đòi hỏi xác thực thông tin cá nhân để đảm bảo tính chính xác và bảo mật.
Bước 3: Truy cập mục "Lấy ý kiến dự thảo Hiến pháp":
- Sau khi đăng nhập thành công, trên giao diện chính của ứng dụng VNeID, tìm và chọn mục "Lấy ý kiến dự thảo Hiến pháp" (hoặc các mục tương tự có liên quan đến việc góp ý dự thảo Hiến pháp). Mục này có thể được hiển thị ở trang chủ hoặc trong phần dịch vụ công của ứng dụng.
Bước 4: Nghiên cứu nội dung dự thảo và góp ý:
Trong mục "Lấy ý kiến dự thảo Hiến pháp", người dân sẽ được cung cấp các tài liệu liên quan đến dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Hãy đọc kỹ và nghiên cứu các nội dung này.
Bước 5: Gửi ý kiến: Sau khi hoàn thành việc soạn thảo ý kiến, quý vị hãy kiểm tra lại cẩn thận và nhấn nút "Gửi ý kiến" (hoặc các nút tương tự) trên ứng dụng để gửi ý kiến của mình đến cơ quan có thẩm quyền.