Tòa tuyên án

Ngân hàng Nhà nước cho phép vay đảo nợ nhưng không có quy định để SCB thực hiện

Minh Đức 06/11/20 - 11:

Việc hợp thức các khoản tái cơ cấu có một phần trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Do Ngân hàng Nhà nước cho phép SCB vay đảo nợ nhưng không có quy định riêng để SCB thực hiện, dẫn đến khi cấp tín dụng phải hợp thức mục đích vay vốn không đúng.

Sáng 6/11, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục ngày xét xử thứ 3 đối với Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB cùng các đơn vị liên quan.

cac-bi-cao-tai-toa.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa.

Mở đầu phiên tòa, bị cáo Trần Thuận Hòa (cựu Thành viên HĐQT ngân hàng SCB) nói để xử lý những khó khăn liên quan đến những khoản nợ xấu, có khả năng mất vốn trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Trương Mỹ Lan và thành viên HĐQT SCB đã nỗ lực thực hiện việc chưa từng có tiền lệ, đó là hợp nhất 3 ngân hàng dưới sự giám sát từ Ngân hàng Nhà nước.

Do đó, bị cáo Trần Thuận Hòa đã ký 2 phiếu biểu quyết đồng ý bổ sung tài sản của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để đảm bảo cho khoản vay của 71 khách hàng.

Bị cáo Hòa nói “Tại hồ sơ phê duyệt của HĐQT cũng nêu rõ Tổng giám đốc trình Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước phê duyệt trước khi thực hiện. Như vậy, các khoản vay tái cơ cấu đều phải được Tổ giám sát phê duyệt nên việc biểu quyết của HĐQT giai đoạn này chỉ là thủ tục để hợp thức chủ trương”.

Về tình tiết giảm nhẹ, bị cáo Hòa nói đã tác động gia đình nộp khắc phục một phần hậu quả. Mới đây, bị cáo Hòa đã tác động gia đình nộp thêm 100 triệu đồng. Ngoài ra, bị cáo Hòa nói “Cha mẹ vợ của bị cáo là người có công với cách mạng, bản thân là lao động chính trong gia đình có 3 con chưa thành niên và cha mẹ trên 80 tuổi”.

vks.jpg
Đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM giữ quyền công tố.

Bị cáo Hòa cho biết mình là người làm công ăn lương, có vai trò thứ yếu; trong suốt thời gian bị tạm giam đã ăn năn hối cải, đã trả giá cho hành vi vi phạm của mình. Từ đó, bị cáo Trần Thuận Hòa xin HĐXX xem xét, cân nhắc khi lượng hình để bị cáo sớm quay về với gia đình, xã hội.

Theo hồ sơ, bị cáo Trần Thuận Hòa làm việc tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất từ tháng 12/2011, sau đó tiếp tục làm việc tại Ngân hàng SCB đến ngày 26/4/2013. Hòa giữ chức vụ là Thành viên HĐQT phụ trách Ủy ban Xử lý nợ của SCB kiêm vị trí Chủ tịch công ty xử lý nợ và khai thác tài sản của SCB.

Từ ngày 25/7/2012 đến ngày 11/12/2012, Trần Thuận Hòa đã ký 2 Biên bản họp/Phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý cho 71 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP vay 71 khoản tại Ngân hàng SCB. Có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 50.346 tỷ đồng.

hdxx-cong-bo-quyet-dinh.jpg
HĐXX phiên phúc thẩm giai đoạn đoạn 1.

Trần Thuận Hòa biết các khoản vay trên là hợp thức hồ sơ, giải ngân, rút tiền để nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng trái phương án vay vốn, gây thiệt hại của các khoản vay nêu trên được xác định là hơn 2.371 tỷ đồng.

Tại bản án sơ thẩm, Trần Thuận Hòa bị TAND TP.HCM tuyên 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Tiếp theo, bị cáo Phạm Văn Phi (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) nói bản án sơ thẩm chưa thể hiện đúng vai trò của mình. Cụ thể, việc hợp thức các khoản tái cơ cấu có một phần trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Do Ngân hàng Nhà nước cho phép SCB vay đảo nợ nhưng không có quy định riêng để SCB thực hiện, dẫn đến bị cáo Phi khi cấp tín dụng phải hợp thức mục đích vay vốn không đúng.

Bị cáo Phi nói tham gia Hội đồng tín dụng Hội sở, Hội đồng kinh doanh và Đầu tư Hội sở chỉ mang tính tham mưu, không mang tính quyết định khoản vay. Bị cáo Phi nhận thức, để xử lý dứt điểm các khoản nợ tái cơ cấu thì Vạn Thịnh Phát phải xử lý tài sản đảm bảo nhưng đề xuất của bị cáo không được chấp nhận, do đó bị cáo đã xin nghỉ việc tại SCB.

Khi vụ án xảy ra tới nay, bị cáo Phạm Văn Phi đã nhiều lần nộp tiền khắc phục hậu quả. Đồng thời, trong quá trình làm việc tại SCB bị cáo Phi đạt nhiều thành tích xuất sắc, được tặng nhiều bằng khen; bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng vì vai trò thứ yếu.

Từ đó, bị cáo Phi xin HĐXX cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm về với gia đình, xã hội.

Tại bản án sơ thẩm, bị cáo Phi bị tuyên 8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

HĐXX tiếp tục xét hỏi nhóm bị cáo thuộc cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hng Nh nước cho phép vay đảo nợ nhưng khng c quy định để SCB thực hiện