Sát cánh cùng Chính phủ và doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Từ đó thúc đẩy hoạt động logistics của doanh nghiệp.
Thời gian qua, Chính phủ đã dành sự quan tâm lớn thúc đẩy sự phát triển hoạt động logistics để phục vụ cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Sát cánh cùng Chính phủ và doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm cách cách thủ tục hải quan tạo thuận lợi thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia nói chung, thúc đẩy hiệu quả hoạt động logistics của doanh nghiệp nói riêng.
Cơ chế một cửa – đòn bẩy cho công nghiệp logistics
Trước hết phải kể tới việc đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia. Với vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại ASEAN.
Kết quả, đến ngày /4/2023, đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia.
Tổng cục Hải quan cũng đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối chính thức với các đối tác thương mại ngoài ASEAN. Cụ thể, đối với các nước thành viên ASEAN, Cơ quan hải quan đã mở rộng và triển khai có hiệu quả việc trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN Cơ chế một cửa ASEAN; xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Với đối tác ngoài ASEAN, Cơ quan Hải quan đã hoàn thành trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu giai đoạn 1, tiếp tục phối hợp để tiến hành giai đoạn 2. Cùng với đó tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ về Hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES) với Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan Hàn Quốc nhằm tạo thuận lợi trong thực thi Hiệp định Thương mại tự do. Hiện tại các bên đang tiếp tục hoàn thiện các vấn đề kỹ thuật để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.
Theo định hướng đặt ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về doanh nghiệp ưu tiên trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức hải quan thế giới (WCO) để mở rộng đối tượng tham gia và tiếp tục thúc đẩy triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên giữa hải quan Việt Nam và hải quan các nước đối tác quan trọng trên thế giới.
Cải cách thủ tục, gỡ vướng cho doanh nghiệp
Bên cạnh việc triển khai Cơ chế một cửa, ngành Hải quan cũng đẩy mạnh cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục, thực hiện đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đồng thời, có cơ chế phối hợp, công nhận chứng nhận về chất lượng, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa giữa các nước có hiệp định thương mại với Việt Nam.
Theo đó, từ đầu năm, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/1/2023 về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023, với 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp để thực hiện.
Ở công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, cơ quan Hải quan đã đơn giản hóa, cắt giảm đáng kể việc KTCN đối với một số hàng hóa xuất nhập khẩu. Dựa trên số liệu tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022, lực lượng chức năng giảm được 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ sẽ giảm tương ứng khoảng 31.000 tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa.
Cơ quan Hải quan đã căn cứ Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ để làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành, các Bộ, ngành thực hiện hậu kiểm và thực hiện 7 nội dung cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu nhằm đơn giản quy trình, thủ tục, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, áp dụng thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro, giảm đầu mối tiếp xúc của doanh nghiệp, cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu.
Kết quả tới nay, các Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 29/38 văn bản; ban hành 48/60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS; hoàn thành ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 và danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu cho 22/22 nhóm hàng. Đặc biệt, loại bỏ 03 nhóm hàng phế liệu khỏi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu phục vụ sản xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường; loại bỏ 02 nhóm hàng khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế.
Những năm gần đây, Tổng cục Hải quan cũng đã đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều loại trang thiết bị hiện đại như: máy soi container, máy soi hành lý; các hệ thống camera giám sát, phòng quan sát camera và hệ thống seal định vị điện tử… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát hải quan và phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới. Qua đó, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đảm bảo an ninh, an toàn cho nền kinh tế, thu hút đầu tư và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng, minh bạch.
Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến thế giới để triển khai các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan, thúc đẩy nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong hoạt động logistics của doanh nghiệp nói riêng.